Mất ngủ giấc ngủ chập chờn – Nguyên nhân và cách cải thiện tức thời
-
Ngày đăng:
26/04/2024 -
Lần cập nhật cuối:
10/07/2024 -
Số lần xem
89
Nội dung bài viết
ToggleGiấc ngủ chập chờn là hiện tượng ngủ không được sâu giấc. Đây cũng là một biểu hiện của bệnh mất ngủ mạn tính. Triệu chứng này xảy ra do nhiều nguyên nhân và cần được điều trị sớm. Càng để lâu, chất lượng giấc ngủ càng đi xuống, người bệnh dễ bị suy giảm thể chất, tinh thần, tăng cao nguy cơ trầm cảm, ung thư.
Mất ngủ ngủ chập chờn là như thế nào?
Giấc ngủ chập chờn thường biểu hiện bởi tình trạng khó ngủ, ngủ mơ hồ dễ tỉnh. Đặc biệt khi tỉnh dậy người bệnh khó ngủ lại. Người ngủ chập chờn thường cảm thấy uể oải, mệt mỏi sau khi thức dậy. Ngay cả khi họ đã ngủ liền mạch suốt 7-8 tiếng, cơ thể vẫn không thấy thoải mái.
Thông thường, giấc ngủ được chia thành 4 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 3-4 là lúc cơ thể ngủ sâu, rất khó tính. Ở người bị ngủ chập chờn, giấc ngủ thường chỉ đạt tới giai đoạn 1-2. Do đó, bệnh nhân dễ bị tỉnh giấc bởi các yếu tố rất nhỏ như sự trở mình của người nằm cạnh hay tiếng động nhẹ…
Chứng ngủ chập chờn không sâu giấc có thể chỉ xảy ra trong 1-2 đêm. Tuy nhiên, ở một số người, tình trạng này có thể kéo dài vài tuần tới vài tháng. Trên 4 tuần, bệnh nhân được tính đã mắc mất ngủ mạn tính.
Dấu hiệu ngủ chập chờn không sâu giấc
Người bị chứng ngủ không được sâu giấc thường có biểu hiện:
- Tỉnh giấc giữa đêm và mất nhiều thời gian để ngủ lại, thậm chí không thể ngủ lại.
- Khó ngủ liền một mạch tới sáng mà thường bị tỉnh dậy nhiều lần trong đêm.
- Ngủ nửa tỉnh, nửa mê, mơ nhiều.
- Một số trường hợp giấc ngủ chỉ kéo dài 3-4 tiếng, rất lâu sau mới có thể ngủ lại.
- Mệt mỏi hơn mỗi khi thức dậy.
- Dễ quên, giảm trí nhớ.
Đa số mọi người đều dễ dàng nhận ra các triệu chứng trên trừ những người bị chứng ngưng thở khi ngủ. Ở những đối tượng này, khi ngủ họ sẽ bị hụt hơi, ngưng thở trong thời gian ngắn. Tình trạng này lặp lại nhiều lần khiến giấc ngủ bị gián đoạn. Tuy nhiên bệnh nhân thường khó nhận biết do các kích thích hô hấp này rất nhẹ.
Nguyên nhân giấc ngủ chập chờn không sâu giấc
Ngủ không được sâu giấc do rối loạn tiền đình
Ngoài tình trạng ngủ chập chờn, mất ngủ, bệnh rối loạn tiền đình còn phải chịu các triệu chứng:
- Chóng mặt, hoa mắt.
- Thức dậy thấy lảo đảo.
- Khi nằm thấy chao nghiêng như say sóng.
- Khó khăn trong việc chuyển từ nằm sang ngồi.
Mất ngủ giấc ngủ chập chờn do thiểu năng tuần hoàn não
Chứng bệnh này gây ra tình trạng thiếu máu lên não, làm giảm lượng oxy cùng các dưỡng chất cần thiết cho não. Từ đó, các tế bào thần kinh bị nghèo năng lượng hoạt động. Dần dần tình trạng trên làm các chức năng của não suy yếu. Tất yếu, thần kinh không ổn định sẽ dẫn tới tình trạng thiếu ngủ, ngủ chập chờn, mất ngủ, ngủ không giấc…
Ngủ mơ hồ chập chờn do tuổi tác
Nghiên cứu cho thấy, người trên 60 tuổi thường gặp khó khăn trong việc ngủ sâu giấc. Ngoài ra, đối tượng từ 30-40 tuổi cũng dễ bị ngủ chập chờn. Nguyên nhân là do độ tuổi này chịu áp lực lớn hơn từ cuộc sống nên dễ stress. Nếu tình trạng nặng có thể gây căng thẳng cho não ngay cả khi ngủ.
Một số bệnh lý gây ngủ chập chờn không sâu giấc, dễ tỉnh dậy
- Chứng ngưng thở khi ngủ.
- Hội chứng RLS (chân không nghỉ). Bệnh này khiến chân tê mỏi, đau nhức nên không thể để yên một chỗ.
- Bệnh về tiêu hóa: trào ngược, viêm loét dạ dày, viêm loét đại tràng…
- Bệnh tim mạch.
- Bệnh phổi.
- Bệnh thần kinh: Trầm cảm, rối loạn lo âu.
- Rối loạn nội tiết tố hoặc hormone.
- Bệnh về đường tiết niệu, tuyến tiền liệt gây tiểu đêm nhiều lần.
Bên cạnh những nguyên nhân trên, một số trường hợp bị ngủ chập chờn cấp tính do ăn uống. Việc sử dụng cà phê, rượu vào buổi tối khiến người bệnh khó ngủ sâu. Bên cạnh đó, một số loại thuốc kê đơn cũng gây ức chế thần kinh và mất ngủ. Những trường hợp này chỉ cần thay đổi lại thói quen là sẽ trở lại bình thường.
Ngoài ra, một số phụ nữ có thai và phụ nữ tiền mãn kinh cũng hay gặp tình trạng giấc ngủ bị chập chờn. Do thời kì này hormone và nội tiết tố trong cơ thể chị em thay đổi quá đột ngột.
Cách cải thiện nhanh tình trạng mất ngủ ngủ chập chờn
Trong trường hợp mới mắc bệnh, bạn có thể cải thiện giấc ngủ không được sâu giấc bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống. Đây là giải pháp mang lại hiệu quả nhanh, lâu dài mà không gây tác dụng phụ cho cơ thể như khi dùng thuốc.
Một số lời khuyên từ bác sĩ:
- Tập thói quen đi ngủ vào một giờ cố định.
- Nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc căng thẳng.
- Giảm khối lượng công việc vào cuối ngày để thần kinh được thư giãn.
- Không uống cà phê sau 3h chiều. Uống không quá 30ml rượu sau 8h tối. Không nên uống bia sau 9h tối.
- Tránh xa các thiết bị chứa ánh sáng xanh như điện thoại, máy tính bảng, laptop, tivi trước 1h đi ngủ.
- Tập yoga, thiền hoặc khí công vào buổi tối giúp tình trạng mất ngủ và ngủ chập chờn cải thiện.
- Nghe âm thanh trắng sẽ giúp bạn ngủ sâu giấc hơn.
- Ăn hoặc uống một số thảo dược giúp an thần, trị mất ngủ như tâm sen, lá vông, hoa cúc khô, táo đỏ…
Nếu sau 1 tuần áp dụng các cách trên mà tình trạng bệnh không cải thiện thì bạn nên đi khám. Các bác sĩ sẽ tìm rõ nguyên nhân và đưa ra phương pháp phù hợp. Bạn tránh tự ý mua thuốc về uống. Điều này vô cùng nguy hiểm vì có thể gây ra nhiều tác dụng phụ cho cơ thể. Hơn nữa, nếu lạm dụng, bạn sẽ gặp tình trạng không thể ngủ nổi nếu thiếu thuốc.
Ngoài ra, hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm thảo dược bào chế hiện đại giúp chữa mất ngủ giấc ngủ chập chờn. Bạn có thể tham khảo ý kiến của chuyên gia để sử dụng. Chúng sẽ giúp bạn ngủ sâu giấc, ngủ ngon một cách an toàn để bạn có đủ năng lượng cho những hoạt động vào ngày mới.