Skip to main content

Viêm Niêm Mạc Dạ Dày Hành Tá Tràng Có Nguy Hiểm Không?

  • Ngày đăng:

    10/02/2020
  • Lần cập nhật cuối:

    26/07/2023
  • Số lần xem

    197

Viêm niêm mạc dạ dày là một căn bệnh phổ biến ở nước ta. Bệnh không quá nguy hiểm nhưng bệnh nhân cần nắm rõ nguyên nhân và triệu chứng bệnh để áp dụng liệu trình điều trị phù hợp. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng và nguyên tắc điều trị của căn bệnh này.

1. Viêm niêm mạc dạ dày là gì?

Dạ dày và tá tràng gồm 4 lớp chính là: niêm mạc, hạ niêm mạc, cơ, thanh mạc. Niêm mạc là lớp ở ngoài cùng, tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, acid dịch vị. Là lớp dễ bị tổn thương nhất.

4 lớp của dạ dày
Niêm mạc là lớp trong cùng của 4 lớp dạ dày

Viêm niêm mạc dạ dày mới chỉ là giai đoạn đầu của viêm loét dạ dày hành tá tràng. Nếu điều trị đúng cách có thể chữa khỏi hoàn toàn.

Dựa theo thời gian và các triệu chứng người ta chia ra làm 2 loại:

  • Viêm niêm mạc dạ dày cấp tính: với các triệu chứng rầm rộ, tuy nhiên kết thúc nhanh
  • Viêm niêm mạc dạ dày mãn tính: với các triệu chứng âm thầm, kéo dài, có thể gặp phải nhiều biến chứng.

2. Nguyên nhân gây viêm niêm mạc dạ dày

Xác định được nguyên nhân gây viêm niêm mạc dạ dày sẽ giúp quá trình điều trị trở nên dễ dàng hơn. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp nhất gây ra bệnh viêm niêm mạc dạ dày hành tá tràng:

  • Nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP): vi khuẩn này sẽ gây tổn hại đến lớp chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày, tá tràng
  • Sử dụng thuốc chống viêm, giảm đau, hạ sốt (NSAIDs, Corticoid): làm giảm sản xuất các yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày
  • Sử dụng đồ uống có cồn, thuốc lá, cà phê
  • Do stress, tuổi già
  • Một số bệnh lý như: xơ gan, u đầu tụy
Vi khuẩn HP gây viêm niêm mạc dạ dày hành tá tràng
Vi khuẩn HP là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm niêm mạc dạ dày hành tá tràng

3. Triệu chứng của viêm niêm mạc dạ dày

Hầu hết những người bị viêm niêm mạc dạ dày tá tràng đều có những biểu hiện triệu chứng như sau:

  • Đau âm ỉ vùng bụng, đặc biệt là vùng thượng vị
  • Ợ hơi, ợ chua, có thể kèm theo chướng bụng, đầy hơi
  • Rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, nôn mửa, táo lỏng thất thường
  • Có thể kèm theo căng cứng cơ vùng thượng vị hoặc không

Ngoài ra:

  • Nếu là viêm niêm mạc dạ dày: ấn điểm thượng vị đau nhẹ
  • Nếu là viêm niêm mạc tá tràng: ấn điểm môn vị đau
Đau vùng thượng vị
Đau vùng thượng vị là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh viêm niêm mạc dạ dày hành tá tràng

4. Điều trị viêm niêm mạc dạ dày

4.1. Điều trị viêm niêm mạc dạ dày không dùng thuốc

Thay đổi chế độ ăn

Cần hạn chế ăn các thức ăn có vị chua như (cam, quýt, chanh,…), các loại thức ăn khó tiêu, chứa nhiều chất béo như đồ ăn chiên rán, mỡ động vật.

Thay đổi sinh hoạt, thói quen

  • Chỉ dùng thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm khi thật sự cần thiết.
  • Giảm căng thẳng, stress: tham gia các hoạt động giải trí, đi du lịch,…
  • Ăn chậm, nhai kĩ, không để bụng quá đói hoặc quá no
  • Nghỉ ngơi ít nhất 30 phút sau khi ăn
  • Không sử dụng đồ uống có cồn, thuốc lá và hạn chế uống cà phê
Chế độ dinh dưỡng khoa học và hợp lý
Chế độ ăn và tập luyện giúp phát huy hiệu quả tối đa việc điều trị viêm niêm mạc dạ dày

4.2. Điều trị viêm niêm mạc dạ dày tá tràng bằng thuốc

Vì viêm niêm mạc dạ dày hành tá tràng chỉ là giai đoạn đầu của viêm loét dạ dày tá tràng, chính vì vậy không cần dùng thuốc với liều quá cao.

Thuốc trung hòa acid dịch vị

Các thuốc phổ biến:

  • Maalox
  • Phosphalugen
  • Gastropulgit

Cơ chế tác dùng: Các thuốc này có tính kiềm, có khả năng trung hòa acid dịch vị, từ đó giảm lượng acid trong dạ dày.

Cách dùng: Các thuốc trong nhóm này thường được bào chế dạng hỗn dịch hoặc gel, do đó bạn cần lắc đều gói thuốc trước khi uống. Dùng thuốc sau bữa ăn 1 và 3 giờ, dùng thuốc trước khi đi ngủ.

Thận trọng khi dùng những thuốc này nếu bạn đang gặp vấn đề về thận đặc biệt là suy thận, vì thuốc này có chứa ion kim loại, là yếu tố nguy cơ hình thành sỏi thận.

thuốc phosphalugel
Phosphalugel là thuốc tiêu biểu trong nhóm trung hoà acid dịch vị

Thuốc ức chế bơm proton (PPI)

Các thuốc phổ biến:

  • Omeprazol
  • Lansoprazol
  • Fomotidin

Cơ chế tác dụng: Tại khoang chứa acid của tế bào viền (tế bào tiết acid), thuốc bị biến đổi thành sulfenamid, chất này tạo phức bền với với ATPase, ATPase là 1 phần của bơm proton, làm mất hoạt tính của bơm proton, từ đó không thể đưa acid vào trong dạ dày.

Cách dùng: Nên sử dụng khoảng 30 phút trước bữa ăn. Nếu dùng trong bữa ăn có thể làm giảm quá trình hấp thu thuốc. Dùng từ 4 – 8 tuần. Thận trọng khi dùng chung các thuốc trong nhóm này với các thuốc chống đông Wafarin, thuốc an thần Diazepam, Phenytoin vì có thể xảy ra tương tác.

thuốc Omeprazole
Omeprazole là một thuốc PPI điển hình dùng trong điều trị viêm niêm mạc dạ dày hành tá tràng

Thuốc kháng histamin H2

Các thuốc phổ biến:

Cơ chế tác dụng:  Thụ thể histamin H2 khi được kích thích sẽ tăng tiết acid dịch vị, các thuốc nhóm này có cấu trúc gần giống với thụ thể histamin H2, gây ức chế thụ thể histamin H2, làm giảm tiết acid dịch vị.

Cách dùng: Ngày dùng 4 lần, 3 lần vào 3 bữa ăn và 1 lần trước khi đi ngủ. Dùng từ 4 – 8 tuần. Cũng giống như thuốc ức chế bơm proton, cần thận trọng khi dùng các thuốc trong nhóm này với Wafarin, Diazepham, Phenytoin.

Nếu bạn là phụ nữ đang mang thai hoặc đang trong thời gian cho con bú, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ trước khi sử dụng.

thuốc cimetidine
Cimetidine là thuốc tiêu biểu thuộc nhóm ức chế histamin H2, giảm tiết acid dịch vị

Thuốc bao vết loét

Các thuốc phổ biến

  • Bismuth
  • Sucralfat

Cơ chế tác dụng: Che phủ vết loét, ngăn ngừa acid dịch vị tiếp xúc với vết loét, ngoài ra thuốc này còn kích thích tăng sinh lớp dịch nhầy trên niêm mạc dạ dày, giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Cách dùng: Dùng 30 phút trước mỗi bữa ăn (ngày 3 lần). Dùng từ 4 – 8 tuần. Nếu bạn đang bị suy thận thì không nên dùng nhóm thuốc này vì sẽ giảm khả năng thải trừ của thuốc, giữ lại những chất độc gây hại đối với cơ thể.

thuốc Sucralfate
Thuốc Sucralfate dùng bảo vệ ổ viêm niêm mạc dạ dày hành tá tràng

Thuốc kháng sinh

Để tiêu diệt vi khuẩn HP, cần phối hợp 2 loại kháng sinh đề phòng ngừa tình trạng kháng thuốc. Các cách phối hợp kháng sinh thường dùng là:

  • Amoxycillin + Clarithromycin hoặc Metronidazol
  • Tetracylin + Metronidazol
  • Clarythromycin + Metronidazol

Đối với các thuốc kháng sinh, cần sử đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, không được lạm dụng, vì có thể dẫn tới tình trạng kháng thuốc.

Đơn thuốc viêm niêm mạc dạ dày hành tá tràng
Đơn thuốc viêm niêm mạc dạ dày hành tá tràng dùng phối hợp nhiều kháng sinh

Sau khi áp dụng xong 1 phác đồ điều trị (4 – 8 tuần) bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế kiểm tra tình trạng bệnh, để có các phác đồ sử dụng thuốc mới phù hợp hơn.

Điều trị viêm niêm mạc dạ dày hành tá tràng sớm bằng thuốc có thể khiến bệnh khỏi hoàn toàn và ngăn ngừa được các biến chứng có thể xảy ra.

5. Viêm niêm mạc dạ dày có nguy hiểm không?

Khi bị viêm niêm mạc dạ dày – tá tràng, nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng cách sẽ dẫn tới những biến chứng cực kì nguy hiểm như:

  • Xuất huyết tiêu hóa: điều này sẽ khiến bệnh nhân gặp phải tình trạng thiếu máu cấp (da xanh xao, nhợt nhạt), có thể nôn ra máu, dịch nôn có lẫn cả thức ăn, dịch tiêu hóa. Đi ngoài phân đen, mùi khó chịu. Đối với trường hợp này, nếu sử dụng các thuốc cầm máu không có kết quả thì cần truyền máu, điều trị ngoại khoa (khâu vết loét)
  • Hẹp môn vị: bệnh nhân cảm thấy đầy bụng, khó tiêu, có thể nôn ra cả thức ăn cũ (do thức ăn không thể xuống tá tràng, ứ đọng nhiều ở dạ dày). Nếu điều trị bằng thuốc không hiệu quả thì cần điều trị ngoại khoa (phẫu thuật, thông lỗ môn vị).
  • Thủng dạ dày: bệnh nhân đau thượng vị một cách đột ngột, dữ dội như có dao đâm, bụng căng cứng như gỗ. Đối với biến chứng này, cần được điều trị ngoại khoa ngay, nếu không có thể dẫn tới tử vong.
  • Ung thư: bệnh nhân đau không theo chu kì, không đỡ khi dùng thuốc, gầy sút cân nhanh, xuất hiện một số khối u vùng thượng vị. Cách điều trị cực kì phức tạp. Nếu giai đoạn đầu có thể dùng phẫu thuật (cắt dạ dày). Nếu giai đoạn muộn thì dùng hóa trị liệu và xạ trị liệu.
Viêm niêm mạc dạ dày hành tá tràng biến chứng uất huyết tiêu hoá
Viêm niêm mạc dạ dày hành tá tràng biến chứng uất huyết tiêu hoá

Tham khảo từ chuyên trang Y tế Sức khoẻ Very Well Health – Hoa Kỳ.

Việc điều trị biến chứng của viêm niêm mạc dạ dày hành tá tràng cực kì phức tạp. Chính vì vậy bạn cần nhanh chóng điều trị bệnh này khi bệnh còn nhẹ.

Viêm niêm mạc dạ dày hành tá tràng không phải là một bệnh khó chữa, tuy nhiên nếu để bệnh tiến triển, xuất hiện biến chứng, lúc đấy sẽ vô cùng nguy hiểm và rất khó điều trị tận gốc. Vậy bạn chờ gì nữa mà không điều trị và phòng ngừa ngay từ bây giờ.

Tổng đài miễn cước
Danh sách nhà thuốc gần bạn nhất
Mua hàng online
nhận hàng tại nhà
Mua hàng online
nhận hàng tại nhà
Danh sách nhà thuốc gần bạn nhất
Nhận thông báo
Thông báo
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments

BẠN NÊN ĐỌC NGAY

THÔNG TIN VỀ SẢN PHẨM

SẢN PHẨM LIÊN QUAN

1
TƯ VẤN LIỆU TRÌNH

Thông báo

x