Những thói quen ăn uống xấu gây bệnh đau dạ dày
-
Ngày đăng:
26/03/2019 -
Lần cập nhật cuối:
17/07/2023 -
Số lần xem
276
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh viêm loét dạ dày mạn tính khá phổ biến. Trong số đó, gần như 100% người bệnh bị nhiễm vi khuẩn Hp – tác nhân chính gây viêm loét tại dạ dày. Căn bệnh này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, giới tính. Đặc biệt là với những người thuộc độ tuổi trung niên.
Xem thêm: Đau dạ dày kiêng gì? 16 thực phẩm hàng đầu không nên ăn
Bệnh dạ dày mạn tính thường rất khó để chữa trị dứt điểm. Thậm chí khi tình trạng bệnh kéo dài, các biến cố nguy hiểm có thể xảy ra như xuất huyết tiêu hóa, hẹp môn vị, ung thư dạ dày… Bên cạnh việc mắc bệnh là do nhiễm vi khuẩn Hp, thì thói quen ăn uống không tốt cũng là nguyên nhân làm cho bệnh xuất hiện, với mức độ nặng hơn và dẫn đến các biến chứng của bệnh.
Vậy những thói quen ăn uống xấu gây hại cho dạ dày là gì?
Ăn uống thất thường
Bình thường, dạ dày chúng ta luôn hoạt động theo một thời gian biểu cố định. Nó tiêu hóa một lượng thức ăn theo khung giờ trong ngày, và cũng cần có thời gian nghỉ ngơi sau khi tiêu hóa thức ăn.
Khi bạn phá vỡ giờ sinh học của dạ dày bằng việc ăn không đúng giờ, không đúng bữa, khiến cho dạ dày bị rỗng do quá đói thì acid và pepsin dịch vị được tiết ra sẽ ăn mòn thành dạ dày của bạn. Từ đó, niêm mạc dạ dày bị mất đi lớp chất nhày bảo vệ, dễ xuất hiện những tổn thương và làm tăng nguy cơ viêm loét khi nhiễm khuẩn.
Ăn thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ
Niêm mạc dạ dày tổn thương sẽ rất dễ nhạy cảm và bị kích thích bởi đồ ăn quá cay, quá nóng hay có chứa lượng dầu mỡ cao. Việc đưa các loại thức ăn này vào dạ dày sẽ làm cho bệnh lý trở nên nghiêm trọng hơn, các triệu chứng bệnh như những cơn đau, bỏng rát tại dạ dày sẽ xảy ra thường xuyên và nặng hơn.
Không chỉ vậy, các loại đồ uống có chứa cồn, cafein,… hay chất nicotin trong thuốc lá cũng được coi là kẻ thù của dạ dày. Chúng có thể khiến niêm mạc dạ dày bị viêm loét nặng hơn, cũng như gây nên những cơn co thắt dạ dày nhiều hơn.
Mất tập trung khi đang ăn
Nhiều người thường tiết kiệm thời gian bằng cách kết hợp việc ăn với một hoạt động nào khác, như ăn khi đi đường, vừa ăn vừa đọc báo,… Thói quen này không chỉ xấu mà còn ảnh hưởng nặng đến dạ dày.
Lý giải cho điều này, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng quá trình tiêu hóa thức ăn luôn đòi hỏi sự hoạt động của nhiều cơ quan, gây áp lực cực lớn cho cơ thể. Khi đang ăn mà bạn làm hoạt động khác, não bộ sẽ mất tập trung và khiến cho khả năng tiêu hóa bị suy giảm, hoạt động của dạ dày có thể bị gián đoạn.
Về lâu dài, thói quen này làm tăng nguy cơ mắc bệnh đau dạ dày, viêm loét dạ dày, và cũng làm tăng nguy cơ xuất hiện biến chứng ở người bệnh mạn tính.
Như vậy, có thể thấy thói quen ăn uống ảnh hưởng trực tiếp đến dạ dày và sức khỏe của bạn. nếu bạn đang có những thói quen kể trên, hãy loại bỏ chúng và tập cho mình những thói quen tốt hơn, để đảm bảo cho sức khỏe của chính bạn.