Những điều cần biết về khối u dạ dày
-
Ngày đăng:
06/03/2019 -
Lần cập nhật cuối:
17/07/2023 -
Số lần xem
336
Nội dung bài viết
Toggle
Dạ dày là cơ quan chính trong hệ tiêu hóa, có chức năng co bóp tiêu hóa thức ăn mà chúng ta đưa vào cơ thể. Khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương, thành dạ dày xuất hiện những u cục lồi lên, gọi là khối u (polyp) dạ dày. Vậy những khối u này có gây nguy hiểm hay không? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Triệu chứng và cách phát hiện các khối u dạ dày
Các khối u xuất hiện trong dạ dày được chia làm 2 loại: khối u lành tính và khối u ác tính. Với các khối u dạ dày lành tính thì rất hiếm có triệu chứng hay biểu hiện cụ thể.
Còn với các khối u ác tính, giai đoạn đầu khi mới xuất hiện, các triệu chứng xảy ra ít. Nhưng nhìn chung sẽ bao gồm: khó tiêu, ợ nóng, dạ dày khó chịu, người bệnh ăn không ngon, có cảm giác buồn nôn, đầy hơi bụng ngay sau khi ăn. Các triệu chứng này giống với các bệnh tiêu hóa khác thường gặp như đau dạ dày, viêm loét dạ dày,…hay rối loạn tiêu hóa, nên thường bị người bệnh bỏ qua một cách chủ quan.
Ở giai đoạn tiến triển của các khối u ác tính (ung thư dạ dày), người bệnh có những biểu hiện rõ ràng hơn:
– Sụt giảm cân nặng đột ngột không rõ nguyên nhân.
– Thường xuyên buồn nôn, nôn khi ăn.
– Đau bụng đột ngột, cơn đau quặn cấp tính và người bệnh không đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường.
– Đi ngoài ra phân đen, có lẫn máu.
– Cổ trướng, khó nuốt; da và mắt có màu vàng (do khối u di căn ảnh hưởng đến gan và các bộ phận khác trong cơ thể).
Với những triệu chứng trên, khối u dạ dày ác tính gây nhiều nguy hiểm cho người bệnh, đặc biệt là ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời.
Để phát hiện có khối u trong dạ dày hay không, các bác sĩ sẽ tiến hành nội soi dạ dày. Trường hợp nội soi phát hiện khối u, bệnh nhân sẽ được yêu cầu làm sinh thiết để xác định khối u là lành tính hay ác tính.
Điều trị khối u dạ dày
Sau khi xác định được có khối u dạ dày, tùy vào khối u lành tính hay ác tính và thể trạng của bệnh nhân mà bác sĩ đưa ra hướng điều trị. Phương pháp điều trị cũng được lựa chọn theo từng giai đoạn phát triển của khối u dạ dày.
Phẫu thuật cắt bỏ một phần (hoặc toàn bộ dạ dày) sẽ được ưu tiên để loại bỏ những khối u lành tính và khối u có nguy cơ phát triển gây ung thư dạ dày ác tính. Tuy nhiên, ở các giai đoạn sau của bệnh, khi khối u bắt đầu lan theo mạch bạch huyết để di căn trong cơ thể, việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
Hóa trị, xạ trị hay điều trị nhắm mục tiêu sẽ được lựa chọn để giúp kéo dài sự sống của bệnh nhân. Đồng thời các liệu pháp giảm đau cũng được dùng để giảm thiểu đau đớn cho người bệnh.
Trên đây là một vài thông tin về triệu chứng, cách phát hiện cũng như phương pháp điều trị với các khối u dạ dày. Biết được các triệu chứng sẽ giúp sớm phát hiện bệnh, là chìa khóa giúp cho việc điều trị bệnh có hiệu quả hơn.