Viêm xung huyết đại tràng: Dấu hiệu nhận biết và các cách điều trị
-
Ngày đăng:
24/03/2024 -
Lần cập nhật cuối:
10/07/2024 -
Số lần xem
106
Nội dung bài viết
ToggleViêm xung huyết đại tràng là tình trạng niêm mạc đại tràng bị phù nề, sưng viêm và tấy đỏ. Nếu không điều trị đúng cách bệnh có thể tiến triển sang viêm đại tràng mạn tính hoặc xuất huyết tiêu hóa rất nguy hiểm cho người bệnh. Vậy làm sao để biết mình có bị viêm xung huyết đại tràng hay không và phương pháp điều trị bệnh lý này là gì? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ cho bạn những vấn đề trên.
Hiểu đúng về viêm xung huyết đại tràng
Đại tràng là bộ phận gần cuối của ống tiêu hóa, chứa rất nhiều vi khuẩn, có chức năng hấp thu nước và các chất điện giải. Viêm xung huyết đại tràng xảy ra khi đại tràng bị nhiễm khuẩn từ bên ngoài hoặc do sự mất cân bằng vi sinh đường ruột khiến cho các vi khuẩn có hại phát triển quá mức.
Viêm xung huyết đại tràng chủ yếu do các nguyên nhân sau gây ra:
- Do tác dụng của thuốc: Việc sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài sẽ làm chết các vi khuẩn có lợi trong đại tràng. Ngoài ra, tác dụng của thuốc hóa xạ trị trong điều trị ung bướu cũng làm cho sức đề kháng của cơ thể bị giảm khiến đại tràng dễ bị nhiễm khuẩn hơn.
- Do ăn phải các loại thức ăn ôi thiu, ăn đồ sống, không rửa tay trước khi ăn, uống nước lã,… làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn đường tiêu hóa như Shigella, E. Coli,…
- Do ngộ độc thức ăn từ việc phối hợp các thức ăn kỵ nhau
- Do uống rượu bia nhiều
Dấu hiệu điển hình khi bị viêm xung huyết đại tràng
Ở giai đoạn cấp tính, người bị viêm xung huyết đại tràng thường gặp phải những triệu chứng như đau quặn bụng, đi ngoài không kiểm soát. Còn ở giai đoạn mạn tính, các triệu chứng xảy ra âm ỉ và kéo dài hơn. Viêm xung huyết đại tràng liên quan chặt chẽ đến rối loạn đi ngoài của người bệnh, cụ thể:
+ Đau bụng là biểu hiện đầu tiên, người bệnh có thể đau quặn lên từng cơn hoặc đau âm ỉ kéo dài. Đôi lúc sẽ cảm thấy đau ở 1 vị trí cụ thể – đó là vị trí bị xung huyết.
+ Đi ngoài phân nát lỏng hoặc có những người lại táo bón thành viên phân cứng rất khó đi.
+ Đôi lúc buồn đi ngoài nhưng lại không đi được, bụng đầy chướng rất khó chịu.
+ Nếu bị lâu năm có thể gây suy nhược cơ thể.
Viêm xung huyết đại tràng nếu không được điều trị đúng cách, các mạch máu tại vị trí đại tràng phình to và vỡ ra, có thể gây viêm đại tràng xuất huyết, thủng đại tràng, nhiễm độc toàn thân nguy hiểm đến tính mạng.
Các phương pháp điều trị viêm xung huyết đại tràng
Mục tiêu điều trị trong viêm xung huyết đại tràng là giảm thiểu tối đa các triệu chứng của bệnh, hạn chế nguy cơ tái phát trở lại và trầm trọng hơn. Căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ sử dụng phối kết hợp các loại thuốc sau:
- Kháng sinh: Tiêu diệt hoặc ức chế các vi khuẩn gây viêm ruột. Tiêu biểu: Metronidazol, Biseptol,…
- Chống viêm: Giảm viêm nhiễm trong đường ruột. Tiêu biểu: Prednisolon, Aspirin,…
- Thuốc điều hòa nhu động ruột. Tiêu biểu: Debridat, Rekelat,…
- Thuốc bổ sung lợi khuẩn trong trường hợp mất cân bằng vi khuẩn đường ruột. Tiêu biểu: Enterobacteria, Probio,…
Trong trường hợp việc dùng thuốc không có tác dụng, bệnh nhân sẽ được chuyển hướng điều trị sang cắt bỏ phần phần đại tràng bị xung huyết. Ưu điểm của phương pháp này là sẽ làm giảm hết các triệu chứng của bệnh, đại tràng không còn bị xung huyết. Tuy nhiên nhược điểm là chức năng của đại tràng sẽ bị suy yếu dần.
Bị viêm đại tràng xung huyết cần lưu ý điều gì?
Ngoài việc tuân thủ điều trị theo đơn của bác sĩ, người vị viêm xung huyết đại tràng cũng cần phải lưu ý những vấn đề sau:
- Chế độ ăn: Ăn chín, uống sôi, không nên ăn các đồ ăn sống, gỏi, đồ ăn để lâu ngày không được bảo quản tốt. Bổ sung các thực phẩm chứa nhiều omega-3 vì chúng có khả năng chống viêm tốt cho đường ruột, ví dụ như các loại cá: cá ngừ, cá trích, cá thu, cá hồi,… Và hãy nên nhớ, ăn nhiều rau xanh mỗi ngày.
- Uống đủ nước: Uống đủ lượng nước từ 1,5-2 lít/ngày để đại tràng hoạt động được dễ dàng hơn, tránh tồn ứ thức ăn lâu ngày không đào thải ra ngoài được.
- Tập thể dục: Có thể bạn chưa biết, tập thể dục không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, mà còn giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Hỗ trợ cơ thể đào thải các độc tố ra ngoài.
- Điều chỉnh tâm lý: Tâm lý đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều phối hoạt động tiêu hóa của cơ thể. Khi chúng ta căng thẳng, nhu động ruột cũng như khả năng điều tiết acid để nghiền nát thức ăn trong dạ dày sẽ bị ảnh hưởng. Hệ quả là quá trình tiêu hóa diễn ra không bình thường, cơ thể phản ứng bằng cảm giác đau bụng, đi đại tiện bất thường. Vì vậy, hãy tạo cho mình một tâm lý thoải mái nhất, giảm thiếu những áp lực không cần thiết.
Viêm xung huyết đại tràng là một căn bệnh không quá nguy hiểm. Nếu chúng ta phát hiện sớm và điều trị đúng theo chỉ định của bác sĩ kết hợp cùng chế độ sinh hoạt hợp lý thì bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi được. Tuyệt đối không chủ quan để tránh các biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng của bản thân.