Viêm đại tràng mãn tính – Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
-
Ngày đăng:
20/03/2024 -
Lần cập nhật cuối:
10/07/2024 -
Số lần xem
105
Nội dung bài viết
ToggleViêm đại tràng mãn tính là bệnh lý phổ biến ở nước ta hiện nay. Tình trạng này rất khó điều trị dứt điểm và hay tái phát, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Cùng tìm hiểu về triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa của bệnh viêm đại tràng mãn tính ở bài viết dưới đây bạn nhé!
Viêm đại tràng mãn tính là gì?
Viêm đại tràng mãn tính là tình trạng viêm kéo dài trên 3 tháng gây tổn thương khu trú hay lan tỏa đến niêm mạc đại tràng.
Bệnh có thể khiến niêm mạc đại tràng dễ tổn thương, chảy máu hoặc xuất hiện những vết loét, xung huyết. Lâu dài, nó gây ra nhiều phiền toái và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người mắc phải.
Nguyên nhân gây ra viêm đại tràng mãn tính
Các tác nhân góp phần gây ra bệnh viêm đại tràng mãn tính có thể kể đến như:
- Hệ thống miễn dịch phản ứng với các vi khuẩn thông thường trong đường tiêu hóa, gây ra viêm nhiễm đại tràng.
- Do nhiễm ký sinh trùng, nhiễm độc… gây ra viêm đại tràng cấp tính nhưng không được điều trị kịp thời, dứt điểm.
- Chế độ ăn uống, sinh hoạt không điều độ, ăn nhiều thức ăn gây kích thích, tổn thương dạ dày, niêm mạc đại tràng.
Dấu hiệu viêm đại tràng mãn tính
Viêm đại tràng mãn tính có các dấu hiệu đặc trưng như:
Tiêu chảy
Tiêu chảy là biểu hiện viêm đại tràng phổ biến nhất hiện nay. Bệnh nhân thường có các triệu chứng như đại tiện lỏng, phân có máu hoặc chất nhầy, đau bụng, khó chịu và có thể diễn ra hàng ngày trong một thời gian dài.
Đau bụng kéo dài
Triệu chứng bệnh viêm đại tràng mãn tính phổ biến đó là đau bụng kéo dài. Người bị viêm đại tràng mãn tính thường bị đau dọc theo khung đại tràng, vi trí nửa khung đại tràng trái và hai hố chậu. Đau bụng xuất hiện theo cơn, quằn quại nhiều lần, có khi đau âm ỉ. Bụng luôn căng trướng, khó chịu nhất là khu trú dọc khung đại tràng.
Cơ thể mệt mỏi, khó chịu, suy nhược
Viêm đại tràng mãn tính là bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tiêu hoá và hấp thụ chất dinh dưỡng. Do đó, ta dễ dàng nhận thấy người bệnh thường có các dấu hiệu rõ ràng như suy nhược, mệt mỏi. Bệnh nhân thường thấy chán ăn, khó chịu, toàn thân suy nhược, mệt mỏi, suy giảm trí nhớ, hay cáu gắt lo lắng…
Nhiều bệnh nhân viêm đại tràng mãn tính còn bị suy giảm sức khoẻ rõ rệt, sút cân, hốc hác, thiếu sức sống.
Bệnh viêm đại tràng mãn tính có nguy hiểm không?
Viêm đại tràng mãn tính là một bệnh lý nghiêm trọng và có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Viêm đại tràng mãn tính có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, cũng như các vấn đề về sức khỏe tâm lý như lo âu và trầm cảm.
Nếu không được điều trị đúng cách, viêm đại tràng mãn tính có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm chảy máu đại tràng, ung thư đại tràng…
Do đó, việc điều trị viêm đại tràng mãn tính kịp thời là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng tiềm ẩn và giữ cho sức khỏe tổng thể của bệnh nhân được ổn định.
Bên cạnh đó câu hỏi “Viêm đại tràng mãn tính có chữa được không” cũng được rất nhiều người bệnh quan tâm. Câu trả lời là rất khó để điều trị dứt điểm tình trạng này. Hầu như các giải pháp hiện nay chỉ có thể khắc phục triệu chứng. Bệnh có thể tái phát nhanh chóng nếu gặp phải các tác nhân gây viêm nhiễm như vi khuẩn, kí sinh trùng… Tuy nhiên, nếu lựa chọn đúng phương pháp, bệnh nhân vẫn có thể sống khoẻ mạnh mà không cần lo lắng nhiều.
Cách điều trị và phòng ngừa viêm đại tràng mãn tính
Điều trị viêm đại tràng mãn tính
Nguyên tắc điều trị viêm đại tràng mãn tính là điều trị nội khoa toàn diện kết hợp với chế độ sinh hoạt, ăn uống phù hợp. Tuỳ vào tình trạng bệnh cũng như thể trạng sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, bao gồm thực phẩm chức năng kết hợp với chế độ sinh hoạt.
Thuốc điều trị đại tràng mãn tính thường kết hợp thuốc phục hồi tổn thương (thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng, thuốc diệt khuẩn đường ruột…) với các thuốc loại trừ tác nhân làm tái phát bệnh (thuốc chống tiêu chảy, thuốc giảm đau, thuốc chữa đầy hơi, chướng bụng…).
Một số loại thuốc kháng viêm, giảm đau có thể tác động làm tổn thương đại tràng, vì thế bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia trước khi sử dụng những loại thuốc này.
Cách phòng ngừa viêm đại tràng mãn tính
Bên cạnh việc điều trị, người bệnh cần lưu ý một số cách phòng ngừa sau:
-
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Hạn chế đồ ăn giàu chất béo, đường, các chất kích thích và đồ uống có cồn. Bệnh nhân cũng nên tăng cường ăn rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm giàu chất xơ để hệ tiêu hoá khoẻ mạnh hơn.
- Tập thể dục thường xuyên: Thói quen tập thể dục thường xuyên rất hữu ích trong việc kiểm soát nhiều biến chứng liên quan đến viêm đại tràng mãn tính như béo phì, ung thư đại trực tràng và đau xương khớp. Để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh viêm đại tràng mãn tính, bạn nên tập thói quen thể dục mỗi ngày ít nhất 30 phút ngay từ bây giờ.
- Tránh stress, căng thẳng kéo dài: Stress, lo lắng, căng thẳng kéo dài có thể dẫn tới việc viêm đại tràng mãn tính và các bệnh liên quan. Vì thế luôn tạo cho bản thân tinh thần thoải mái, vui vẻ, lành mạnh để phòng ngừa bệnh viêm đại tràng mãn tính.
Trên đây là nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa bệnh viêm đại tràng mãn tính. Người bị viêm đại tràng mãn tính cần theo dõi sức khỏe nghiêm ngặt và điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ. Hi vọng với bài viết trên bạn đã có thêm những kiến thức về bệnh viêm đại tràng mãn tính.