Những lưu ý cần biết khi dùng thuốc điều trị viêm loét dạ dày
-
Ngày đăng:
06/03/2019 -
Lần cập nhật cuối:
10/07/2024 -
Số lần xem
318
Viêm loét dạ dày hay viêm loét dạ dày tá tràng đang là những căn bệnh tiêu hóa phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, với tỷ lệ mắc bệnh tăng lên mỗi năm. Tại Việt Nam cũng vậy, tình trạng người dân mắc căn bệnh này chiếm tới 70% các bệnh thường gặp ở đường tiêu hóa. Chính vì vậy, việc phòng ngừa nguy cơ nhiễm bệnh và tìm ra các phương pháp điều trị bệnh hiệu quả, an toàn luôn là ưu tiên hàng đầu cho mọi người dân.
Hiện nay, việc sử dụng thuốc trị viêm loét dạ dày là một trong những liệu pháp trị bệnh được nhiều người tin dùng, kết hợp với việc điều chỉnh lối sống, chế độ ăn uống khoa học. Tuy nhiên, để sử dụng thuốc điều trị có hiệu quả, người bệnh đau dạ dày, viêm loét dạ dày cần phải biết những lưu ý sau đây.
Cần lưu ý những gì khi điều trị viêm loét dạ dày bằng thuốc?
Đầu tiên, người bệnh khi có những biểu hiện như đau bụng vùng thượng vị, đau liên tục thành từng cơn, bị đau khi ăn quá no hay để bụng quá đói; có cảm giác buồn nôn và nôn khi ăn; đầy hơi chướng bụng… thì nên đặt nghi vấn xem bản thân mình liệu có bị đau dạ dày hay chỉ là rối loạn tiêu hóa thông thường. Và nhanh chóng đến các cơ sở y tế khám chuyên khoa để xác định sớm tình trạng sức khỏe.
Khi đã xác định rõ bị đau dạ dày, người bệnh cần làm các xét nghiệm, nội soi chẩn đoán hình ảnh để biết rõ việc mình có bị viêm, loét tại niêm mạc dạ dày hay không. Nếu có thì mức độ các vết viêm loét nặng hay nhẹ, từ đó bác sĩ sẽ có cơ sở để kê đơn thuốc đúng cho người bệnh.
Với chế độ dùng thuốc điều trị, người bệnh thường được dùng phối hợp từ 3 – 4 loại thuốc, gồm có thuốc ức chế tiết acid dịch vị, thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn Hp (nguyên nhân chính gây ra các vết loét), thuốc bao vết loét. Loại thuốc, liệu lượng dùng và thời gian điều trị bằng thuốc phụ thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người. Vì thế người bệnh cần dùng đúng thuốc, đúng liều, đúng thời điểm theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trong quá trình sử dụng thuốc, bản thân người bệnh cần chủ động trao đổi với bác sĩ về việc mình có bị dị ứng bất kỳ loại thuốc hay đồ ăn nào không, nên tìm hiểu về một số tác dụng phụ của thuốc và thông báo cho bác sĩ nếu thấy có tác dụng phụ,… Trên cơ sở đó, bác sĩ có thể tư vấn cho người bệnh dùng thuốc sao cho đạt hiệu quả tốt nhất và tránh được những tương tác thuốc không mong muốn.
Bên cạnh việc dùng thuốc trị viêm loét dạ dày, người bệnh cần phải có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý. Hạn chế những căng thẳng, lo âu hay suy nghĩ quá nhiều. Vận động nhẹ nhàng bằng các bài tập như đi bộ, tập yoga, tập thiền… giúp người bệnh nâng cao thể trạng sức khỏe, thư giãn và thoải mái đầu óc hơn. Đồng thời, chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, có giờ giấc hợp lý giữa các bữa trong ngày cũng hỗ trợ cho việc điều trị tốt hơn. Các loại thức ăn nên tránh đồ kích thích niêm mạc dạ dày như thức ăn cay, nóng, chua; tránh các loại đồ uống gây hại cho dạ dày như rượu bia, nước chè đặc, café …
Xem thêm: Viêm loét dạ dày tá tràng uống thuốc gì hiệu quả?