Góc nhìn đa chiều về tác dụng của Curcumin trong nghệ vàng
-
Ngày đăng:
26/03/2019 -
Lần cập nhật cuối:
17/07/2023 -
Số lần xem
296
Nghệ vàng (Curcuma longa L.) là cây thuốc quý được đánh giá cao trong số vô vàn các cây thuốc cổ truyền và được sử dụng lâu đời từ hàng nghìn năm nay. Khoa học hiện đại đã có nhiều nghiên cứu về hoạt tính sinh học của Curcumin (hoạt chất chiết xuất từ củ nghệ vàng) như chống oxy hóa, chống viêm, kháng khuẩn, hỗ trợ điều trị các bệnh tiêu hóa, cơ xương khớp, ung bướu.
Chính vì vậy, hàng nghìn nghiên cứu đã được tiến hành trong suốt hơn thập niên qua với mục đích đánh giá tác dụng thực sự của Curcumin, tuy nhiên đến nay kết quả các nghiên cứu vẫn còn gây nhiều tranh cãi, và nhận được những ý kiến trái chiều từ các nhà khoa học trên thế giới. Chúng tôi xin trích đăng hai luồng ý kiến trái chiều của các nhà khoa học để người tiêu dùng có cái nhìn khách quan, tổng thể về vấn đề này khi quyết định sử dụng các sản phẩm có chứa Curcumin.
1. Curcumin, polyphenol tự nhiên có nhiều hoạt tính sinh học quý
1.1 Các nghiên cứu về tác dụng của Curcumin trên viêm loét dạ dày
* Trên thực nghiệm
Nghiên cứu của Nghiên cứu của Ronita De và cộng sự, tiến hành năm 2009 tại viện nghiên cứu quốc gia về các bệnh tiêu hóa, Ấn Độ (1)
– Trên 65 chủng HP phân lập từ người, in vitro, curcumin đã ức chế enzym tổng hợp các acid amin vòng thơm cần cho sự phát triển của HP.
– Curcumin giúp hết hoàn toàn các vết loét dạ dày trên chuột nhắt gây nhiễm HP
– Kiểm tra mô học, thấy Curcumin có tác dụng chống viêm và hoàn toàn tái tạo lại các vết loét dạ dày thực nghiệm trên chuột
* Trên lâm sàng
Nghiên cứu của nhóm tác giả Prucksunand C và cộng sự, tiến hành năm 2001, tại bệnh viện Siriraj, Bangkok, Thái Lan trên 45 bệnh nhân viêm loét dạ dày, 24 nam và 21 nữ, tuổi từ 16-60 đã được đưa vào nghiên cứu. (2)
– 25 bệnh nhân, 18 nam và 7 nữ, được kiểm tra, vết loét của họ nằm trong bóng tá tràng và dạ dày. Kích thước loét khác nhau từ 0,5 đến 1,5 cm. Viên nang nghệ được dùng đường uống liều 2 viên x 300 mg x 5 lần mỗi ngày, 30 phút đến một giờ trước bữa ăn, lúc 16.00 giờ và trước khi đi ngủ. Kết quả sau 4 tuần cho thấy loét đã biến mất trong 48% (12 trường hợp). 18 trường hợp đã không có loét sau 8 tuần điều trị. 19 trường hợp (76%) không có vết loét sau 12 tuần điều trị.
– Phần còn lại, 20 trường hợp không thấy có loét và một số không nội soi. Họ dường như có loét, viêm dạ dày và rối loạn tiêu hóa. và uống viên nang Curcumin trong 4 tuần. Triệu chứng dau bụng và khó chịu giảm xuống trong tuần đầu tiên và thứ hai. Họ có thể ăn các loại thực phẩm thông thường thay vì phải ăn thức ăn mềm. Sinh hóa máu và huyết học của tất cả 54 bệnh nhân không có thay đổi đáng kể, chức năng gan thận trước và sau khi điều trị ổn định.
1.2 Các nghiên cứu về tác dụng của Curcumin trên ung bướu
* Trên thực nghiệm
– Murali m.Y. và cộng sự (2013) đã đánh giá hiệu quả in vitro và in vivo của nano curcumin trên tế bào ung thư tụy của người cho thấy nano curcumin đã ức chế sự tăng sinh và tạo quần thể của tế bào ung thư, ức chế sự phát triển của khối u dị ghép trên chuột nhắt và kéo dài thời gian sống thêm của chuột, không thấy biểu hiện độc tính của nanocurcumin. Sinh khả dụng của dạng nano đã vượt 2.5 lần dạng curcumin thường (3)
* Trên lâm sàng
– Nghiên cứu của nhóm tác giả Ryan JL và cộng sự, tiến hành năm 2013, tại Trung tâm Da Liễu, Đại học y khoa Rochester, New York, Hoa Kỳ để đánh giá khả năng curcumin làm giảm mức độ nghiêm trọng của biến chứng viêm da trong 30 bệnh nhân ung thư vú, có đội tuổi trung bình 58,1. Bệnh nhân được chọn ngẫu nhiên dùng 2,0 gram curcumin hoặc giả dược bằng đường uống ba lần mỗi ngày (tức là 6,0 gram mỗi ngày) trong suốt thời gian xạ trị. Mức độ viêm da được đánh giá hàng tuần. Test thống kê Fisher cho thấy bệnh nhân được hỗ trợ điều trị bằng curcumin ít xuất hiện bong vảy (28,6% so với 87,5%, P = 0,002). Kết quả cho thấy uống 6,0 g curcumin mỗi ngày trong thời gian xạ trị, làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm da do tia xạ ở những bệnh nhân ung thư vú. (4)
2. Những mặt tối của Curcumin
Đối ngược với rất nhiều nghiên cứu tập trung vào công dụng của tinh chất nghệ Curcumin, tác dụng phụ của Curcumin được chứng minh qua 64 nghiên cứu của các nhà khoa học trên cả thế giới được tóm tắt trong bài báo “Những mặt tối của curcumin” (5), được tác giả Thanh Mỹ dịch ra tiếng việt (6). Nội dung chính như sau:
* Trên thực nghiệm
– Năm 1993, chương trình độc học quốc gia của Mỹ (National Toxicology Program), nghiên cứu tác hại của dịch chiết của nghệ (chứa 79-85% curcumin) lên chuột bằng cách cho chúng ăn thức ăn có trộn với dịch chiết này, ở các liều lượng khác nhau, trong khoảng thời gian từ 3 tháng đến 2 năm. Những con chuột tội nghiệp sau 2 năm được phát hiện tăng tỉ lệ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, cường giáp và đặc biệt có nguy cơ mắc bệnh ung thư đường ruột (5).
– Năm 2009, thí nghiệm trên những con chuột bị cấy bệnh ung thư phổi đưa ra những bằng chứng về việc curcumin thúc đẩy quá trình ung thư phổi như tăng kích thước khối u, đẩy nhanh các giai đoạn ung thư (6).
* Trên lâm sàng (1)
– 15 bệnh nhân mắc bệnh ung thư đại trực tràng được cho uống hỗn hợp thương mại của curcumin. Sau 4 tháng theo dõi, kết quả không cho thấy sự giảm nồng độ của các chất đặc trưng tiết ra từ các tế bào ung thư (tumor markers) ở cả 15 bệnh nhân. 3 trong số 15 bệnh nhân có những thay đổi đáng kể, 1 trong số đó cảm thấy khá hơn sau 1 tháng, 2 người còn lại trở nặng sau 4 tháng. Các tác dụng phụ ghi nhận được là tiêu chảy, mẩn ngứa và đau đầu.
– 686 phụ nữ đang xạ trị để điều trị bệnh ung thư vú được cho uống hỗn hợp curcumin nhằm thử nghiệm tác dụng của hỗn hợp này trong việc phòng tránh và giảm thiểu ảnh hưởng của tia xạ trên da. Kết quả cho thấy nhóm phụ nữ dùng tinh nghệ có xu hướng bị tổn thương da nhiều hơn so với nhóm đối chứng.
3. Curcumin có ảnh hưởng đến DNA?
Burgos-Moron và cộng sự, trong bài tổng hợp của họ với tiêu đề “Mặt trái của Curcumin” cho rằng, Curcumin có thể gây độc tế bào và gây ra hủy hoại DNA. Tác giả của bức thư này đã đưa ra một số dẫn chứng bao gồm nghiên cứu năm 1976 bởi Goodpasture chứng minh sự ảnh hưởng với sự cô đặc nhiễm sắc thể, sự đứt gãy, giảm tổng hợp acid nucleic khi nghệ được ủ với tế bào Don hoặc tế bào Indian muntjac. Nhưng trong một báo cáo tổng hợp khác với tiêu đề “Curcumin không gắn hoặc chèn vào DNA, một số lưu ý về tác dụng của Curcumin” (7), cùng được đăng trên tạp chí IJC (International Journal of Cancer), Biji T. Kurien và Skyler P. Dillon đã trình bày những dữ liệu cho thấy Curcumin được hòa tan trong nước bằng nhiệt, 0.5 N natri hydroxit hoặc ethanol không chèn được vào DNA.
Thêm vào đó, các tác giả này cũng đưa ra những nghiên cứu in vivo trên chuột của Mukhopadhyay và cộng sự, năm 1998 đã cho thấy curcumin hoặc nghệ vàng (hòa tan trong ethanol tuyệt đối và pha loãng 10 lần với nước) dùng đường uống liều 8mg/kg cơ thể không cho thấy hoạt động “bất thường nhiễm sắc thể” nào sau 7 ngày. Tuy nhiên, cả curcumin và nghệ vàng đều có khả năng ngăn chặn clastogenicity (tổn thương cấu trúc nhiễm sắc thể) gây ra bởi cyclophosphamide hoặc mitomycin.
Còn nghiên cứu thực hiện bởi Shukla và cộng sự năm 2002 đánh giá hoạt tính kháng nấm của curcumin trong thử nghiệm sai lệch nhiễm sắc thể in vivo trên chuột Wistar. Curcumin (100-200mg/kg cơ thể) được cho vào cơ thể 7 ngày trước khi điều trị cyclophosphamide. Sai lệch nhiễm sắc thể quan sát thấy trên những con vật chỉ được điều trị cyclophosphamide, trong khi đó, không có sự thay đổi nhiễm sắc thể quan sát thấy ở nhóm sử dụng kết hợp curcumin. Bằng chứng về an toàn của cucurminoid là nó được FAO cho phép sử dụng như một loại food additives, food color, được EFSA công nhận là additives với ADI là 3mg/kg thể trọng/ngày – ký hiệu E100 (8)
Và đây là ý kiến của Hội đồng khoa học về đề nghị đánh giá lại về độc tính của curcumin và mức ADI. Hội đồng khẳng định “Ban hội thẩm đã đồng ý với JECFA rằng chất curcumin không gây ung thư. Hội đồng cũng kết luận rằng điều này sẽ loại bỏ những lo ngại về độc tính trên các gen di truyền” (The Panel agreed with JECFA that curcumin is not carcinogenic. The Panel also concluded that this eliminates the concerns over genotoxicity) (9)
1) https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/19204190
2) https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/11485087
3) https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3965353
4) https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3998827
5) http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1002/ijc.24967/full
6) https://www.facebook.com/notes/10154150540982303
7) http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1002/ijc.25290/full
8) https://www.efsa.europa.eu/en/efsajournal/pub/3876
9) http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.2903/j.efsa.2010.1679/abstract
Nhận thông báo
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments