Nguy hiểm từ căn bệnh loét dạ dày hành tá tràng bạn nên biết
-
Ngày đăng:
19/02/2019 -
Lần cập nhật cuối:
10/07/2024 -
Số lần xem
295
Đau dạ dày, viêm loét dạ dày tá tràng… đang là những căn bệnh phổ biến thường gặp ở đường tiêu hóa với tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng cao. Bệnh luôn có những triệu chứng điển hình như các cơn đau bụng vùng thượng vị, buồn nôn và nôn, ăn khó tiêu, bụng đầy hơi… Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, các triệu chứng này xuất hiện ít và dễ khiến cho người bệnh nhầm lẫn với rối loạn tiêu hóa thông thường, từ đó chủ quan về sức khỏe của mình. Nhưng khi bệnh tiến triển nặng hơn, nó có thể mang đến nhiều mối nguy cho cơ thể người bệnh.
Vì vậy, bài viết này sẽ cung cấp thêm cho bạn đọc thông tin về căn bệnh loét dạ dày hành tá tràng và những nguy hiểm có thể gặp từ căn bệnh này.
Viêm loét dạ dày hành tá tràng có nguy hiểm không?
Đây là một trong những câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Bởi như đã nói, đa số các trường hợp người bệnh bị viêm dạ dày – tá tràng và dần dẫn đến loét, hay bị bệnh mạn tính. Khi bệnh không được sớm điều trị, hoặc điều trị không dứt điểm, kém hiệu quả thì điều này có thể đưa người bệnh đến với những biến chứng của bệnh. Những biến chứng của đau dạ dày, viêm loét dạ dày hành tá tràng được biết đến là hẹp môn vị, thủng dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, chảy máu dạ dày và ung thư dạ dày.
Đặc biệt là với căn bệnh loét dạ dày hành tá tràng, nguy cơ mắc biến chứng sẽ tăng cao thêm nếu như người bệnh bị viêm loét ở bờ cong nhỏ dạ dày, loét ở khu vực hành tá tràng… Hiện tượng hẹp môn vị dễ xảy ra, kéo theo các cơn đau và nôn ra thức ăn có mùi khó chịu. Nếu nôn nhiều, người bệnh bị mất nước, rối loạn điện giải và có thể chảy máu đường tiêu hóa. Biểu hiện cụ thể giúp người bệnh nhận biết được là tình trạng đi ngoài ra phân có màu đen, hoặc có lẫn máu tươi. Nếu để chảy máu tiêu hóa kéo dài, tính mạng người bệnh bị nguy hiểm và phải nhập viện cấp cứu, điều trị tích cực cho người bệnh.
Ngoài ra, bên cạnh các ổ viêm loét trên niêm mạc đường tiêu hóa sẽ có thêm sự xuất hiện của các khối polyp, với mức độ tùy từng người bệnh. Việc có polyp dạ dày, kết hợp với viêm loét dạ dày – tá tràng sẽ làm cho người bệnh bị tăng nguy cơ ung thư. Ở nhiều người bệnh, các polyp dạ dày được phát hiện sớm và tiến hành phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn, không tái phát lại.
Tuy nhiên, một số trường hợp các khối u xuất hiện lại, gặp điều kiện thuận lợi phát triển thành u dạ dày ác tính, thậm chí là di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể. Lúc này, việc điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn hết, người bệnh sẽ phải thực hiện các liệu pháp xạ trị, hóa trị, phẫu thuật cắt bỏ một phần đường tiêu hóa… để đảm bảo tính mạng.
Như vậy, có thể thấy căn bệnh viêm loét dạ dày hành tá tràng nói riêng và các bệnh dạ dày – tá tràng nói chung đều rất nguy hiểm nếu không được phát hiện, điều trị sớm. Để tránh các nguy cơ này, bạn nên thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, để phòng bệnh và hỗ trợ tốt nếu đang trong quá trình điều trị bệnh.