Ung thư – Cuộc chiến không của riêng ai
-
Ngày đăng:
26/03/2019 -
Lần cập nhật cuối:
17/07/2023 -
Số lần xem
325
Có ba yếu tố tác động đến ung thư là di truyền, môi trường sống ô nhiễm và chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học. Trong đó quan trọng nhất là môi trường ô nhiễm. Bằng chứng là nhiều kết quả khảo sát cho thấy ở một số vùng mỏ, hoặc những người làm nghề độc hại có tỷ lệ mắc ung thư luôn cao hơn so với các vùng khác.
Với thực tế các thành phố lớn ở Việt Nam luôn tràn ngập khói bụi từ từ hàng triệu triệu chiếc xe gắn máy ngược xuôi trên đường, nước thải công nghiệp được lén lút thải vào nguồn nước sông hồ… khiến cho môi trường đất, nước, không khí bị ô nhiễm trầm trọng. Đây là tác nhân chính gây ra ung thư. Bên cạnh đó, việc ăn những thực phẩm chế biến bằng phương pháp muối mặn như dưa cà hay thực phẩm mốc hỏng có thể sinh ra chất gây ung thư. Ngày nay, chế độ ăn uống của người Việt có nhiều thay đổi. Chế độ ăn nhiều thịt, nhiều mỡ, ít rau, hay ăn đồ chiên nướng cũng tạo điều kiện cho căn bệnh ung thư tấn công con người.
Đặc biệt là việc sử dụng nhiều hóa chất, biện pháp khích thích trong quá trình nuôi trồng chế biến rau củ thịt cá ngày nay đã góp phần rất lớn làm gia tăng tỷ lệ người mắc bệnh ung thư. Điển hình như dùng chất tạo nạc trong chăn nuôi, thuốc thúc chín trái cây, chất tẩy trắng nội tạng, bảo quản thực phẩm…Những chất trên đều có khả năng kích thích tăng sinh tế bào mà tăng sinh tế bào nhiều lần sẽ gây ra đột biến, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cho người dùng. Có thể nói, không ai khác mà chính con người đã tự hủy hoại môi trường sống của mình, gây ra bệnh tật cho bản thân và đồng loại.
Các bệnh viện ung thư luôn quá tải
Vào những năm 1960, bệnh nhân ung thư chỉ lác đác. Ở Bệnh viện K có Khoa Xạ trị, chỉ lẻ tẻ 5, 7 bệnh nhân mỗi ngày, nhưng giờ đã lên đến hàng trăm bệnh nhân hoặc nhiều hơn nữa. Trước đây, chỉ có Bệnh viện K, Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai mới có khoa điều trị ung thư. Song, đến nay, hầu hết các bệnh viện đều có khoa ung thư. Ngay cả các bệnh viện tuyến tỉnh cũng phải mở mới các khoa ung thư để đáp ứng nhu cầu điều trị cho người bệnh và giảm tải cho các bệnh viện tuyển trên. Thậm chí, Bệnh viện K còn có thêm cơ sở K2 ở Tam Hiệp, K3 ở Tân Triều mà vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh. Điều đáng chú ý là độ tuổi mắc ung thư ở Việt Nam sớm hơn so với thế giớiđến 2 thập niên. Cụ thể là trên thế giới, độ tuổi mắc ung thư cao từ 60-80 tuổi. Còn ở Việt Nam, độ tuổi này chỉ vào khoảng 40-60 tuổi.
Chung tay chống lại ung thư: cần hành động ngay
Theo thống kê của Chương trình phòng chống Ung bướu Quốc gia, 80% bệnh nhân ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn. Điều đó không những khiến cho việc điều trị ít có khả năng thành công, làm giảm cơ hội sống của người bệnh mà còn làm tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình bệnh nhân và toàn xã hội. Đứng trước tình hình đó, các giáo sư, bác sĩ đầu ngành thuộc lĩnh vực ung bướu đã biên soạn cuốn “ Nhận biết, dự phòng và chiến thắng bệnh ung thư” gần 300 trang với nhiều thông tin bổ ích bao quát mọi khía cạnh mà những người quan tâm đến căn bệnh ung bướu cần đến: từ quá trình hình thành bệnh, các phương pháp điều trị kinh điển và hiện đại nhất, các bệnh ung bướu thường gặp, quá trình chăm sóc bệnh nhân, tâm lý cần thiết khi đối diện với căn bệnh…
Nhiều thông tin quý báu mà các tác giả muốn chuyển tải gửi gắm đến bạn đọc, nhưng có lẽ thông điệp xuyên suốt mà cuốn sách nhằm tới là hiểu biết để phòng bệnh và phát hiện sớm, đó là chìa khóa để chiến thắng bệnh.
Nhận thông báo
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments