Nâng giá trị dược liệu nhờ khoa học
-
Ngày đăng:
19/02/2019 -
Lần cập nhật cuối:
19/02/2019 -
Số lần xem
283
Ứng dụng khoa học để cạnh tranh
Trong số hơn 12.000 loài thực vật Việt Nam thì có gần 4.000 loài cho công dụng làm thuốc, nhiều loài dược liệu được xếp vào loài quý và hiếm trên thế giới. Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, xu hướng sử dụng thuốc từ dược liệu tăng so với việc sử dụng tân dược. Tuy nhiên việc bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu ở nước ta đang gặp nhiều khó khăn. Việc nuôi trồng và khai thác dược liệu còn tự phát, quy mô nhỏ dẫn đến sản lượng không ổn định, giá cả biến động. |
Câu chuyện bắt tay với nhà khoa học của CVI được bắt nguồn từ thực tế: hằng năm có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học ra đời rồi lại nằm im trong ngăn tủ. Trong khi đó, rất nhiều cây dược liệu quý của Việt Nam chỉ được sản xuất dưới dạng sản phẩm thô, giá trị thấp và hiệu quả chưa cao. Hướng đi duy nhất để giải quyết được hai nghịch lý này chính là sử dụng công nghệ được nghiên cứu bởi các nhà khoa học để nâng cao giá trị của dược liệu Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ ứng dụng khoa học thôi chưa đủ, sản phẩm phải được xây dựng trên cơ sở lắng nghe và nắm bắt được nhu cầu của thị trường, chỉ có doanh nghiệp mới làm được điều này. Vì vậy, hai người sáng lập CVI: ông Phan Văn Hiệu và ông Nguyễn Trường Thành đã quyết định chọn hướng đặt hàng các nhà khoa học, thay vì sản xuất từ các công trình nghiên cứu có sẵn. Và dòng sản phẩm đầu tiên – kết quả của sự liên kết giữa CVI và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ra đời – CumarGold – với thành phần chính là tinh nghệ Nano Cucurmin.
Lý giải cho việc chọn cây nghệ làm dòng sản phẩm đầu tiên để cùng với các nhà khoa học nghiên cứu, ông Hiệu cho biết: “Cây nghệ đã được dân gian sử dụng từ hàng nghìn năm trước để đỡ đau dạ dày, ngăn ngừa ung thư và làm đẹp… Tuy nhiên, bột nghệ truyền thống chưa đem lại hiệu quả rõ ràng do còn lẫn nhiều tạp chất gây nóng. Mặt khác, cucurmin khi sử dụng qua đường uống thường gặp cản trở do không tan trong nước và chỉ hấp thu được khoảng 2 – 5%”. Bên cạnh đó, cây nghệ cũng đã là đề tài được rất nhiều quốc gia có nền khoa học tiên tiến nghiên cứu. Tất cả những nhược điểm của bột nghệ truyền thống đã được khắc phục khi CVI và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu và ứng dụng thành công công nghệ nano và cho ra đời dòng sản phẩm CumarGold.
Hiệu quả thực tế của sản phẩm, cộng với sự bảo chứng của những viện nghiên cứu khoa học hàng đầu của Việt Nam đã giúp dòng sản phẩm Nano Cucurmin của CVI nhanh chóng chiếm được niềm tin của người tiêu dùng. Chỉ sau hai năm, đã có khoảng 30.000 bệnh nhân trên khắp Việt Nam sử dụng các sản phẩm của CVI mỗi ngày. Tiềm năng của cây nghệ Việt Nam thực sự được đánh thức.
Việc CVI bắt tay với các nhà khoa học mang đến nhiều cái lợi: Người tiêu dùng có được sản phẩm tiện dụng, chất lượng cao để bảo vệ sức khỏe, nhà khoa học hài lòng vì nhìn thấy công trình của mình thực sự đi vào cuộc sống, và doanh nghiệp có được thành quả về doanh số cũng như có nguồn lực để tiếp tục tái đầu tư, nghiên cứu ra các dòng sản phẩm mới.
Nhiều cây thảo dược quý khác của Việt Nam như cây ba kích, lan gấm cũng đang được doanh nghiệp này ấp ủ để đưa ra những dòng sản phẩm mới, có giá trị kinh tế cao. Theo các chuyên gia về thương hiệu, để thành công, thương hiệu đó phải luôn có câu chuyện mới để kể với người tiêu dùng, có vẻ như CVI đang đi đúng hướng. Thừa nhận, các sản phẩm nhái ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh của CVI, tuy nhiên, ông Hiệu hoàn toàn tự tin với nền tảng khoa học mà CVI đã xây dựng được. Bởi sự gắn kết chặt chẽ và niềm tin của những nhà khoa học, viện nghiên cứu hàng đầu, cùng với chuỗi giá trị, đó là điều mà các doanh nghiệp khác không thể sao chép.
Đứng vững trên sân nhà trước khi vươn ra thế giới
Tự tin về sản phẩm, CVI cũng nuôi tham vọng đưa sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, điều mà doanh nghiệp này đang cân nhắc là tính thời điểm. Theo ông Hiệu, tại thời điểm này, việc đặt chân vào các thị trường quốc tế của doanh nghiệp Việt đối diện với không ít rào cản. Cái “vấp” quan trọng nhất là hàng rào kỹ thuật. Các sản phẩm trong nước mới chỉ dừng lại ở tiêu chuẩn VietGAP mà chưa có đơn vị nào chính thức đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp Việt tiếp cận với hệ thống tiêu chuẩn của thế giới. Khi các sân chơi hội nhập mở ra, tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước sẽ càng trở nên khắt khe để bảo hộ cho các sản phẩm nội địa. Hiện chỉ có những doanh nghiệp lớn của Việt Nam mới có khả năng vượt qua những hàng rào này, còn với đa phần doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp mới khởi nghiệp của Việt Nam, vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Điều đáng nói là, khi Việt Nam tham gia ngày càng nhiều sân chơi khu vực và quốc tế thì riêng việc đứng vững trên sân nhà cũng đã là minh chứng cho khả năng cạnh tranh hội nhập của doanh nghiệp Việt, khi mà tất cả các thương hiệu từ nước ngoài đã và đang có kế hoạch tiến vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, thị trường trong nước cũng đang có rất nhiều dư địa để CVI khai thác và phát triển. Theo thống kê, bình quân chi cho sức khỏe trên đầu người ở Việt Nam từ 30 – 40 USD/ năm, trong khi đó, ở Đông Nam Á là từ 100 – 200 USD và trên thế giới, con số này là 300 USD. Như vậy, chỉ cần Việt Nam theo kịp Đông Nam Á thì thị trường dược phẩm trong nước sẽ tăng gấp 2 – 3 lần so với hiện tại. Đó là cơ hội lớn mà CVI không thể bỏ qua. Khi đã chắc chân tại thị trường trong nước, đó sẽ là đòn bẩy để tự tin vươn ra thị trường quốc tế, với nhiều kinh nghiệm hơn, thiện chiến hơn và có đủ nguồn lực. Vì vậy, giai đoạn hiện tại, CVI vẫn đang tập trung để xây dựng niềm tin của người tiêu dùng trong nước.
Theo ông Hiệu, để giải được bài toán hội nhập trong tương lai, các doanh nghiệp Việt cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới tiêu chuẩn quốc tế để tìm cơ hội xuất khẩu. Bên cạnh đó, cũng cần rà soát nhãn mác, bao bì sản phẩm để tránh những rủi ro về tranh chấp thương hiệu. Quan trọng hơn, để các doanh nghiệp Việt không thua trên sân nhà thì ngoài xây dựng thương hiệu sản phẩm, việc đầu tư xây dựng kênh phân phối tốt là chìa khóa để đưa sản phẩm đến được với nhiều người.