Một ”thảo dược” chưa được sử dụng xứng tầm
-
Ngày đăng:
06/03/2019 -
Lần cập nhật cuối:
17/07/2023 -
Số lần xem
309
Nội dung bài viết
ToggleDưới đây là câu chuyện của tiến sĩ Phạm Đình Tỵ, một trong những người đầu tiên tiến hành nghiên cứu hoạt chất curcumin có trong nghệ vàng với khát vọng phòng chữa bệnh cho nhân dân, đặc biệt là những người dân nghèo khó khăn.
Xem thêm:
1. Niềm vui 15 năm trước và…
Ngày đó tôi còn là phóng viên của Báo QĐND. Một hôm nhận được điện thoại của GS.TS Hoàng Văn Phiệt, Viện trưởng Viện Hóa hợp chất thiên nhiên (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), tôi đã xuống trụ sở Viện tại Nghĩa Đô (Hà Nội) và gặp TS. Phạm Đình Tỵ, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu chiết xuất hoạt chất curcumin từ tinh nghệ củ nghệ vàng (Curcuma longa L). Qua câu chuyện với các nhà khoa học ở đây, tôi thấy mình có may mắn được sớm tiếp cận với một đề tài khoa học-công nghệ ý nghĩa thực tiễn cao, mở ra một triển vọng lớn trong việc chữa các bệnh hiểm nghèo.
Thế giới có khoảng 15 loài nghệ khác nhau, thì ở Việt Nam đã tìm được 14 loài. Hoạt chất curcumin có trong tinh nghệ vàng với hàm lượng khoảng 0,3% (tức cứ 1 tấn bột nghệ khô chiết xuất được khoảng 3kg chất curcumin). Mặc dù curcumin được Vogel tìm ra từ năm 1842, nhưng phải 100 năm sau một phòng thí nghiệm ở Đức mới lần đầu tiên tách chiết được nó. Ngày nay, việc tách chiết chất này trong phòng thí nghiệm bằng phương pháp sắc ký đã trở nên quen thuộc, hầu như phòng thí nghiệm nào có đủ điều kiện là làm được. Nhưng để chiết xuất curcumin trên quy mô công nghiệp thì hoàn toàn không dễ dàng, đòi hỏi nhiều điều kiện cực kỳ khó khăn.
Nhóm của TS.Tỵ ngày đó đã tách chiết thành công Curcumin trên một dây chuyền công nghiệp, mỗi tháng có thể tiêu thụ vài tấn nguyên liệu, độ tinh khiết sản phẩm đạt 92-95%, cao hơn mức do Tổ chức Y tế thế giới yêu cầu; kiểm tra độ an toàn và hiệu lực sản phẩm được xác định là không có độc tính. Vậy là vào cuối năm 1997, lần đầu tiên ở Việt Nam sản xuất được Curcumin trên quy mô công nghiệp. Điều này còn được khẳng định trong hội nghị hóa học toàn quốc diễn ra tại Hà Nội vào tháng 8-1998.
Thời đó, internet chưa phát triển như bây giờ, thông tin còn hạn chế, cũng không thấy nói ở đâu trên thế giới chiết xuất được curcumin vượt khỏi khuôn khổ phòng thí nghiệm. Mãi đến tháng 4-1999, báo Mỹ đưa tin: Nhóm nghiên cứu đứng đầu là nhà khoa học gốc Ai Cập Mohamed vừa thành công trong việc chiết xuất curcumin từ củ nghệ vàng ở quy mô công nghiệp. Vậy thì theo mốc trên, Việt Nam đã đi trước Hoa Kỳ khoảng 1 năm. Tháng 10-2000, tại Đa-ka (Băng-la Đét) diễn ra Hội nghị khoa học châu Á lần thứ X về cây thuốc (ASOMPS X), đã chính thức mời TS.Phạm Đình Tỵ tham dự với tư cách người có nhiều đóng góp vào sự nghiệp phát triển cây thuốc chữa bệnh.
TS.Phạm Đình Tỵ được đào tạo chuyên ngành hóa phân tích tại CHDC Đức (cũ), luận văn tiến sĩ của ông thực hiện tại Viện Hàn lâm khoa học Đông Đức, với đề tài về nghiên cứu hóa sinh cây thuốc dân tộc, đã tìm ra 5 loại chất mới trong loài cây thuốc phổ biến ở Việt Nam thuộc họ ngũ gia bì. Ngày đó về nước, ông đảm nhiệm trưởng phòng Hoạt chất sinh học, Viện Hóa hợp chất thiên nhiên.
Ngay từ đầu ông quan tâm nhiều đến củ nghệ, trong bài thuốc dân gian được dùng chữa bệnh viêm loét dạ dày, viêm đường tiết niệu, chóng làm lành vết thương… Một thời gian dài người ta đã không hiểu hết tác dụng của loại hoạt chất có trong củ nghệ vàng, chỉ đến khi vào những năm cuối của thế kỷ XX, dưới ánh sáng của sinh học phân tử, curcumin bỗng gây sự chú ý đặc biệt, được dự báo sẽ trở thành “thần dược” bởi khả năng chống oxy hóa mạnh, tiêu diệt được các gốc tự do và các men gây ung thư trong tế bào. Điều được cho là “kỳ diệu” trong chữa bệnh ung thư, là hoạt chất này có khả năng hủy diệt từng bước (Apoptosis) các tế bào ác, ngăn chặn sự hình thành tế bào nhiễm bệnh mới, mà không làm ảnh hưởng các tế bào lành bên cạnh.
Ngày đó, TS.Phạm Đình Tỵ và cộng sự, chọn đề tài chiết xuất curcumin từ nghệ vàng quy mô công nghiệp là hết sức táo bạo, bởi trước đó đã có người định làm nhưng không thành công và cũng không có nhiều thông tin của thế giới để tham khảo. Nhưng rồi sau 4 năm miệt mài và sáng tạo, họ đã có được thành công ngoài mong đợi. Sau khi công bố kết quả nghiên cứu, rất nhiều tờ báo trong nước đã đồng loạt đưa tin và người ta hy vọng sẽ sớm được triển khai ứng dụng trong sản xuất và đời sống, chứ không chung số phận như nhiều đề tài khác, báo cáo, tổng kết, trao bằng khen xong lại… cất vào tủ.
2. … nỗi buồn hôm nay
Đã 15 năm trôi qua. Mới rồi tôi có dịp gặp lại “Cha đẻ của curcumin công nghiệp ở Việt Nam”. Qua chuyện trò cùng ông, tôi bỗng nhận ra một điều: Tuy kết quả đề tài chiết xuất curcumin không hoàn toàn bị “cất vào tủ”, song trong chừng ấy năm vẫn không đủ để nó phát huy tác dụng của một “thần dược” như kỳ vọng.
Ông cho biết, sau khi đề tài được nghiệm thu, hoàn thiện, đã có liên hệ với cơ quan chức năng của Bộ Y tế để triển khai dự án đầu tư dây chuyền công nghệ thuốc chữa bệnh từ dược liệu curcumin. Tiếc rằng ngày đó còn nhiều những thủ tục phiền hà, nhất là vì sự thể hiện thiếu thiện chí của đối tác mà dự án không thể triển khai như ý định ban đầu. Thiếu vốn để triển khai sản xuất lớn, bên cạnh đó, vấn đề bản quyền sáng chế cũng chưa được nhà chức trách quan tâm giải quyết thỏa đáng, nên việc chuyển giao công nghệ bị cản trở. Sau vài năm, tác giả công trình vẫn không ký được với doanh nghiệp dược phẩm nào để triển khai sản xuất bột nghệ thành thuốc chữa bệnh. Cho đến trước ngày TS. Tỵ nghỉ hưu, bột curcumin vẫn chỉ là bột curcumin do dây chuyền của Viện Hóa hợp chất thiên nhiên sản xuất, không thể biến thành các loại tân dược lưu hành chính thức.
Vào năm 2000, Viện Hóa hợp chất thiên nhiên đã đứng ra cung cấp miễn phí loại bột curcumin hàm lượng cao cho bên thử nghiệm lâm sàng là Bệnh viện K (Hà Nội), nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi kết thúc… không kèn không trống! Trong khi đó, TS. Phạm Đình Tỵ được sự ủng hộ của một số nhà khoa học, có nhà dược học nổi tiếng, cố GS.TSKH Đỗ Tất Lợi, trên danh nghĩa hộ kinh doanh gia đình, với công nghệ có sẵn trong tay, đã sản xuất các chế phẩm “thực phẩm bổ dưỡng” với thành phần chủ yếu là curcumin, chủ yếu gồm hai loại là trà thuốc TNV 999-AC và Tinh nghệ Thiên Lộc.
Có một thực tế, do trình độ dân trí nâng cao, thông tin ngày một dồi dào, “thực phẩm bổ dưỡng” do gia đình TS. Tỵ sản xuất vẫn được sự tín nhiệm của đông đảo người bệnh, nhất là những người mắc bệnh ung thư. Và đã có không ít trường hợp thập tử nhất sinh, nhờ dùng sản phẩm trên mà được kéo dài sự sống. Có thể nêu vài dẫn chứng:
Anh Phạm Hoàng Sơn, 34 tuổi, quê Đương Xá, Vạn An, Yên Phong, Bắc Ninh, hai Bệnh viện Việt – Đức (Hà Nội) và Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đều chẩn đoán ung thư não, với khối u 4cm, chỉ định phải mổ. Trong thời gian chờ phẫu thuật, bệnh nhân đã tình nguyện uống trà TNV 999-AC, sau hai tuần dùng đã giảm 80% mức độ đau đầu, một tháng thì hết đau; hai tháng kiểm tra tại Bệnh viện Việt – Đức khối u trong não không còn cứng, đã chuyển sang thể lỏng, người bệnh có thể sống chung với khối u thêm một thời gian.
Trong lá thư đề ngày 12-2-2003 gửi TS. Phạm Đình Tỵ, ông Phạm Đình Mậu, 76 tuổi, ở thôn Đương Xá, xã Vạn Yên, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, cho biết: Ông thường đau bụng, đầu tháng 3-2002 cấp cứu tại Bệnh viện Việt – Đức, kết luận bị ung thư dạ dày đã di căn vào gan, thận, tụy. Ông quyết định về nhà chờ chết. Có người mách, ông uống Tinh nghệ Thiên Lộc ban đầu thấy dễ chịu, uống hết gói thứ sáu cơn đau giảm rõ rệt, đi lại được. Và trong năm đó sức khỏe được cải thiện rõ rệt do uống liên tục tinh nghệ, không dùng loại thuốc nào khác…
Hôm nay ở tuổi “thất thập” TS.Tỵ vẫn khỏe mạnh, ngoài vốn kiến thức sâu, dày về hóa hợp chất thiên nhiên, thời gian qua ông còn tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm chữa bệnh trên cơ sở quan điểm y học cổ truyền: Quân – thần – tá – sứ. Song mỗi khi nhắc đến nghiên cứu đã có nhiều thành tựu của mình từ 15 năm về trước, ông vẫn cảm thấy day dứt, tiếc nuối. Đã có trong tay một loại dược liệu quý như curcumin mà bao năm nay ở nước ta nó vẫn không được sử dụng xứng tầm. Ông còn đưa ra một so sánh. Năm 1999, khi tác giả Mohamed vừa thành công chiết xuất công nghiệp curcumin, lập tức hãng dược phẩm lớn ở Mỹ là Sabinsa đầu tư hàng triệu USD để tiến hành thử nghiệm dược tính cũng như trên lâm sàng rồi họ sớm đưa ra thị trường các loại tân dược chữa được nhiều bệnh, trong đó có ung thư, như: Curcumin-C3-Complex, Hepanun, Hepaclem, Asclerin, Curcumin-Hồ tiêu… Trong khi ở ta 15 năm trôi qua, vẫn dậm chân tại chỗ với chế phẩm ban đầu, trên danh nghĩa vẫn chỉ là thực phẩm bổ dưỡng.
Qua câu chuyện tôi còn biết, vị tiến sĩ chuyên ngành hóa phân tích dẫu đã xa chính trường trong nhiều năm, giờ trong cơ chế thị trường cởi mở hơn xưa, ông vẫn còn đủ trí tuệ, cùng thiện chí để hợp tác phá vỡ thế bế tắc trước đây, nhằm đưa chế phẩm Curcumin lên đúng tầm của nó trong lĩnh vực phòng, chống bệnh tật, nhất là với bệnh hiểm nghèo, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Phạm Quang Đẩu (Báo Quân đội nhân dân)