Sử dụng thuốc giảm đau dẫn đến đau dạ dày, có hay không?
-
Ngày đăng:
26/03/2019 -
Lần cập nhật cuối:
17/07/2023 -
Số lần xem
337
Thuốc giảm đau được sử dụng rất phổ biến, hầu như có mặt trong tủ thuốc của mọi gia đình. Thường có mặt trong thị trường dược phẩm dưới dạng thuốc không kê đơn, mỗi người có thể dễ dàng mua một vỉ thuốc giảm đau. Điều này dẫn đến hệ lụy trong việc sử dụng thuốc giảm đau, uống thuốc quá liều hay uống thuốc không hợp lý. Hệ tiêu hóa chịu ảnh hưởng trực tiếp của những loại thuốc theo đường uống này, cùng tìm câu trả lời cho câu hỏi sử dụng thuốc giảm đau có dẫn đến đau dạ dày, viêm loét dạ dày hay không.
Thuốc giảm đau gây hại cho dạ dày như thế nào?
Các thuốc giảm đau có thể dễ dàng kể những cái tên phổ biến như aspirin, hay các thuốc giảm đau chống viêm không steroid ( được viết tắt là NSAIDs) như Diclofenac, Ibuprofen hay Indomethacin,… Các thuốc NSAIDs sử dụng không hợp lý dẫn đến tác dụng không mong muốn trên hệ tiêu hóa là rối loạn dạ dày – ruột. Khi sử dụng quá liều thuốc giảm đau không steroid, sẽ làm giảm khả năng tạo nhày của niêm mạc đường tiêu hóa và tạo điều kiện cho acid và men Pepsin của dịch vị ( hai yếu tố tấn công của dạ dày) gâytổn thương niêm mạc dạ dày, đường tiêu hóa.
Aspirin, nếu trước đây tại châu Âu được coi là một loại “thần dược” do có khả năng giảm đau, hạ sốt, chống viêm rất tốt thì hiện nay tác dụng chủ yếu của aspirin được biết đến để sử dụng cho bệnh nhân bệnh mạch vành, huyết khối. Rất nhiều loại thuốc được sử dụng để thay thế aspirin trong điều trị giảm đau vì aspirin có những tác dụng ngoại ý không mong muốn, tác hại nghiêm trọng khi lạm dụng thuốc này chính là gây viêm loét dạ dày, nguy hiểm hơn thuốc có thể gây xuất huyết dạ dày.
Diclofenac được sử dụng chuyên trị các triệu chứng đau, viêm trong các bệnh viêm đa khớp, đau lưng, thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống,…. Uống thuốc thường xuyên quá liều có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày – tá tràng. Acid xâm nhập và dần dần ăn mòn lớp niêm mạc dạ dày do diclofenac gây ức chế lớp nhày có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày đường tiêu hóa.
Tương tự với các thuốc giảm đau chống viêm khác thường được sử dụng đều có thể gây nên tình trạng viêm loét dạ dày. Thêm vào đó, đa số các thuốc NSAIDs đều có tính acid càng tạo điều kiện cho thuốc làm tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa khi có cơ hội. Vậy nên, sử dụng những thuốc này như thế nào để hạn chế tác hại trên đường tiêu hóa là việc mà các nhân viên y tế phải đặc biệt lưu ý cho bệnh nhân khi mua thuốc.
Việc hạn chế chỉ định thuốc NSAIDs cho bệnh nhân có tiền sử viêm loét dạ dày – tá tràng, trường hợp bắt buộc sử dụng thì đi kèm với thuốc bảo vệ đường tiêu hóa. Thời điểm uống thuốc rất quan trọng, để tránh kích thích niêm mạc dạ dày hãy sử dụng thuốc sau bữa ăn. Bệnh nhân không được tự ý sử dụng thuốc liều cao kéo dài và tự ý phối hợp các thuốc NSAIDs với nhau. Bệnh nhân hãy tuân thủ chặt chẽ chỉ dặn của bác sĩ và dược sĩ trong sử dụng thuốc giảm đau.