Gian nan chuyện biến dược liệu quý thành ‘sản phẩm vàng’
-
Ngày đăng:
26/03/2019 -
Lần cập nhật cuối:
17/07/2023 -
Số lần xem
317
Qua bàn tay, trí óc của nhà khoa học, doanh nhân có tâm huyết, nghệ vàng và ba kích trở thành ‘sản phẩm vàng’ nâng cao sức khỏe chống lại bệnh tật.
‘Cái bắt tay thật chặt’ giữa nhà khoa học và doanh nghiệp
Hiện, nhiều đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học đang cất trong ngăn kéo. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đau đáu đi tìm công nghệ để ứng dụng vào sản phẩm để đưa ra thị trường. Và còn nhiều lắm những bất cập được nêu ra tại Hội thảo Doanh nghiệp với ứng dụng khoa học sáng tạo, từ chính sách đến thực tiễn do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 19/11. Tại hội thảo, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng: Doanh nghiệp phải là trung tâm biến các ý tưởng nghiên cứu thành sản phẩm xã hội, là chìa khóa để thương mại hóa các sản phẩm khoa học – công nghệ. Tuy nhiên, việc ứng dụng các nghiên cứu của nhà khoa học vào thực tiễn sản xuất lại là con đường còn dài và khó khăn.
Một trong những nguyên nhân được Bộ trưởng Nguyễn Quân chỉ ra là tình trạng thiếu kết nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp khiến nhiều sản phẩm nghiên cứu hữu ích, có giá trị thực tiễn cao nhưng không có địa chỉ chuyển giao. Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, để đẩy mạnh ứng dụng khoa học sáng tạo vào thực tiễn, cái bắt tay thật chặt giữa nhà khoa học và doanh nghiệp được xem là con đường tốt nhất để thương mại hóa các công trình khoa học.
Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các nhà khoa học phải là mối quan hệ biện chứng. Các nhà khoa học phải nghiên cứu cái gì doanh nghiệp cần chứ không phải nghiên cứu cái nhà khoa học muốn, phải tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng cao và phục vụ đời sống nhân dân thì mới thu hút được đầu tư doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp cũng cần có sự chủ động trong nâng cao trình độ và ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất. Doanh nghiệp phải là nơi sử dụng, phải là trung tâm biến các ý tưởng nghiên cứu thành sản phẩm xã hội.
Trăn trở đưa ứng dụng công nghệ vào dược liệu
PGS – TS Phạm Hữu Lý, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Hàn lâm Khoa học – Công nghệ Việt Nam người từng dành cả thập niên nghiên cứu về công nghệ nano trăn trở: Cách đây 3 năm, đề tài nghiên cứu về công nghệ nano ở viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (HLKHCNVN) đã được đưa vào ứng dụng cho cây nghệ vàng. Chúng tôi và công ty dược mỹ phẩm CVI đã tìm được đến với nhau để làm ra sản phẩm ứng dụng công nghệ nano để gói tinh chất nghệ.
Đưa ứng dụng này vào giúp cho thành phần curcumin trong nghệ dễ dàng hấp thu vào máu một cách hiệu quả. Từ đó hỗ trợ trị nhiều bệnh và nâng cao sức khỏe cho người dùng. Rất may, tôi đã tìm được đúng đơn vị để chuyển giao và 2 năm nay, sản phẩm đã được người dùng đánh giá cao. Tuy nhiên, không phải với công nghệ nào cũng may mắn như vậy. Có nhiều đề tài nghiệm thu tốt nhưng doanh nghiệp không thiết tha đưa vào ứng dụng hoặc cơ chế chính sách bất cập nên chúng tôi không an tâm để chuyển giao công nghệ. Thậm chí, khi chuyển giao rồi, thì sản phẩm của mình cũng không được bảo vệ.
PGS Phạm Hữu Lý nói: Ví dụ như với kết quả của sản phẩm nano curcumin, 2 năm đầu người tiêu dùng được dùng sản phẩm tốt từ chuyển giao công nghệ của viện HLKHCNVN nhưng sau đó nhiều cơ sở đua theo tung ra cái gọi là nano curcumin. Nhưng ai chắc đó là nano curcumin thật? Vậy, nhà nước cần quản lý sao để doanh nghiệp đưa vào ứng dụng những đề tài khoa học không bị ‘chết đuối’ bởi hàng giả, hàng nhái? Nên, cần phải bảo hộ những sản phẩm khoa học công nghệ. Ở khía cạnh là doanh nghiệp đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào sản phẩm, ông Phan Văn Hiệu, chủ tịch hội đồng quản trị công ty CVI chia sẻ: “Doanh nghiệp chúng tôi áp dụng khoa học công nghệ nâng cao giá trị các sản phẩm dược liệu thế mạnh, truyền thống của Việt Nam để phát triển các dòng sản phẩm dược phẩm có giá trị cao.
Chúng tôi may mắn thừa hưởng thành quả của một công trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất dược phẩm, được chuyển giao từ Viện Hoá học – Viện HLKHVN. Từ đây, công ty đã tạo ra được những dòng sản phẩm đột phá về hiệu quả sử dụng chứa nano curcumin từ cây nghệ vàng, phát huy các hiệu quả tuyệt vời của cây nghệ, mang đến niềm hy vọng cho hàng chục nghìn bệnh nhân ung thư, hàng trăm nghìn người đang bị đau dạ dày…Ngoài ra, chúng tôi không chỉ tìm kiếm sự hợp tác chuyển giao từ các đề tài nghiên cứu khoa học có sẵn mà còn chủ động đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu nhằm giải quyết những vấn đề từ thực tiễn và đã có hai đề tài được nghiệm thu.
Ông Phan Văn Hiệu chia sẻ những khó khăn thách thức khi đưa sản phẩm là kết quả hợp tác giữa nhà khoa học với doanh nghiệp
trước đoàn chủ tọa gồm: Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân; Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông; Phó cn ủy ban KHCNMT Quốc hội Lê Bộ Lĩnh.
Hiện, chúng tôi đang phối hợp với tỉnh Quảng Ninh, sử dụng một phần ngân sách hỗ trợ của tỉnh để cùng với tập thể hơn 10 nhà khoa học từ ba Trung tâm nghiên cứu lớn thực hiện một nhóm các đề tài NCKH tổng thể về cây dược liệu ba kích, nhằm đưa ra thị trường một dòng sản phẩm được NCKH bài bản từ cây ba kích tím. Tuy nhiên, ông Hiệu cho rằng, để các ứng dụng khoa học công nghệ đi vào thực tiễn, đến với người dân cần hình thành thị trường các sản phẩm khoa học công nghệ được vận hành công khai, minh bạch bằng cách luật hoá các quy định liên quan. Một vấn đề nữa mà ông Hiệu băn khoăn là câu chuyện các doanh nghiệp được tài trợ để nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ.
Sự hỗ trợ từ phía nhà nước, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp là rất quý báu. Tuy nhiên, khi đã được cấp ngân sách, nếu doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu về hoá đơn, chứng từ, giấy tờ theo đúng các thủ tục phức tạp của nhà nước… có thể bị đánh giá sai. Thực tế, đã có những câu chuyện doanh nghiệp bị điều tra với lý do là lập khống chứng từ để hợp thức hoá các khoản tài trợ từ ngân sách của nhà nước. Đặc biệt là câu chuyện một doanh nhân từng được giải thưởng gương mặt trẻ tiêu biểu VN năm 2012 ở Thái Bình bị khởi tố về tội lập khống chi sai 650 triệu đồng từ quỹ hỗ trợ phát triển KHCN của tỉnh.
Chủ tịch HĐQT CVI băn khoăn: Khoan bàn đến câu chuyện đúng sai nhưng bài học này khiến doanh nghiệp tham gia áp dụng KHCN mong muốn sử dụng một phần ngân sách nhà nước không khỏi chùn chân. Nếu chúng ta đưa ra được cơ chế khoán ngân sách theo mục tiêu và kết quả của đề tài nghiên cứu thì vấn đề sẽ trở nên rõ ràng hơn rất nhiều, nhà nước dễ quản lý và doanh nghiệp cũng “tự tin” hơn khi sử dụng ngân sách nhà nước.