Điều trị viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em như thế nào?
-
Ngày đăng:
26/03/2019 -
Lần cập nhật cuối:
17/07/2023 -
Số lần xem
316
Nội dung bài viết
Toggle
Tỉ lệ trẻ em mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng này đang có xu hướng tăng dần. Vậy phải làm gì để điều trị viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em?
Viêm loét dạ dày tá tràng là căn bệnh có tỷ lệ mắc rất cao trong số các bệnh về đường tiêu hóa. Bệnh thường gặp ở người những người trưởng thành có thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, thường xuyên căng thẳng, chịu nhiều áp lực hoặc những người sử dụng nhiều rượu bia, chất kích thích… Ngoài ra cũng không loại trừ yếu tố di truyền từ gia đình. Gần đây, tỉ lệ trẻ nhỏ mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng này đang có xu hướng tăng dần, nguyên nhân là do chế độ chăm sóc chưa hợp lý, sử dụng thuốc gây tổn thương dạ dày và thường gặp nhất là do bị nhiễm vi khuẩn H.Pylori.
Khi trẻ nhỏ bị viêm loét dạ dày tá tràng biểu hiện dễ nhận thấy nhất là trẻ bỗng dưng biếng ăn, ăn không ngon, thường đau bụng, nôn và buồn nôn. Nếu trẻ bị nặng có thể dẫn đến thiếu máu gây còi cọc, chậm lên cân. Trong trường hợp này các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để có những biện pháp can thiệp sớm nhất. Dưới đây là một vài gợi ý để điều trị viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em như sau:
Điều trị viêm loét dạ dày bằng cách làm giảm cơn đau dạ dày của trẻ
Đối với hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ do chưa phát triển hoàn thiện nên rất dễ bị tổn thương bởi các tác động bên ngoài vì vậy tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc giảm đau mà chưa có sự đồng ý của bác sỹ. Các bậc cha mẹ có thể tham khảo các cách sau để làm giảm cơn đau cho trẻ:
– Chườm ấm: Đây là phương pháp đơn giản có tác dụng làm giảm cơn đau ở trẻ nhỏ. Các bậc phụ huynh có thể sử dụng túi chườm hoặc túi sưởi với nhiệt độ vừa phải đặt lên bụng trẻ để trẻ bớt đau.
– Cho trẻ uống nước gừng pha với mật ong: Pha ¼ thìa cà phê nước gừng tươi với ½ thìa cà phê mật ong cho trẻ uống. Cách này sẽ giúp giảm những cơn đau trong dạ dày của trẻ. Tuy nhiên cần lưu ý không sử dụng gừng với trẻ dưới 2 tuổi.
– Massage vùng bụng: Các bậc phụ huynh có thể dùng tay để massage vùng bụng cho trẻ khi trẻ bị đau. Nên xoa bóp nhẹ nhàng vùng bụng của trẻ theo theo chiều kim đồng hồ, điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn.
– Cho trẻ uống nhiều nước: Khi trẻ bị đau dạ dày hãy cho trẻ uống nhiều nước. Cách này có tác dụng hòa loãng acid có trong dạ dày giúp trẻ bớt đau đồng thời bổ sung nước cho cơ thể. Không nên cho trẻ uống nước lạnh mà nên cho trẻ uống nước ấm để tránh kích thích dạ dày của trẻ.
Sử dụng thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng
Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh viêm dạ dày – tá tràng ở trẻ nhỏ là do vi khuẩn H.Pylori cư trú trong dạ dày – tá tràng bởi vậy ưu tiên hàng đầu trong điều trị Viêm loét dạ dày tá tràng là sử dụng các loại thuốc tiêu diệt vi khuẩn H.Pylori.
Các loại thuốc thường dùng hiện nay bao gồm thuốc kháng sinh kết hợp với thuốc kháng acid – chống loét (PPI). Cụ thể: sử dụng kháng sinh amoxicillin kết hợp với clarithromycin và PPI (omeprazol) hoặc metronidazol kết hợp với clarithromycin và PPI (omeprazol) hoặc amoxicillin kết hợp với metronidazol và PPI (omeprazol). Thời gian điều trị kéo dài từ 7 cho đến 14 ngày.
Điều trị viêm loét dạ dày bằng cách phòng bệnh cho trẻ
Sau khi điều trị viêm loét dạ dày tá tràng bằng thuốc, trẻ cần được theo dõi và chăm sóc cẩn thận. Do vi khuẩn H.Pylori lây qua đường tiêu hóa nên việc quan trọng nhất là cần giữ vệ sinh cho trẻ. Ngoài ra, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ, bổ sung cho trẻ các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, hạn chế ăn các loại thức ăn cay, nóng hoặc thức ăn chế biến sẵn vì không đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Nên cho trẻ tới khám tại các trung tâm y tế ngay khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh để bác sĩ có thể chuẩn đoán và điều trị kịp thời khi phát hiện bệnh.