5 Thói quen có hại cho dạ dày
-
Ngày đăng:
26/03/2019 -
Lần cập nhật cuối:
17/07/2023 -
Số lần xem
281
Bảo vệ sức khỏe của dạ dày là điều hết sức quan trọng. Bạn nên chú ý loại bỏ ngay những thói quen sau đây trong cuộc sống của mình để tránh gây hại cho dạ dày nhé.
1. Lạm dụng thuốc giảm đau
Khi dùng bất kì loại thuốc nào bạn cũng đều cần tham khảo tư vấn của bác sĩ, bởi vì một số loại thuốc có thể không “thân thiện” với dạ dày của bạn.
Các loại thuốc giảm đau có thể kìm hãm sự sản xuất niêm mạc bảo vệ thành dạ dày nên gây chảy máu dạ dày. Nguy hiểm hơn là vết loét ở dạ dày có thể xuất hiện trong thời gian dài mà không biểu hiện triệu chứng nào khiến cho việc phát hiện bệnh gặp trở ngại và bệnh càng nặng hơn.
2. Tắm ngay sau khi ăn
Trong quá trình tắm, các mạch máu ngoài da sẽ giãn nở ra, máu lưu thông mạnh đến các chi nên lượng máu chuyển đến cơ quan tiêu hóa và nội tạng bị hạn chế. Tình trạng này làm cho quá trình tiêu hóa bị trì trệ, ảnh hưởng đến việc tiêu hóa thức ăn, dạ dày phải làm việc nhiều hơn nên dễ bị ảnh hưởng đến chức năng của dạ dày. Thậm chí, những người bị cao huyết áp, bệnh tim, mỡ máu cao…có thể gặp biến chứng.
Nếu muốn đi tắm sau khi ăn, bạn nên chờ khoảng 1-3 tiếng để hoạt động tiêu hóa diễn ra thuận lợi và lượng máu đến cơ quan tiêu hóa không cần nhiều như khi vừa ăn xong.
Tình trạng quá tải về thể chất cũng như stress lâu dài sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch và làm giảm tác dụng bảo vệ dạ dày của niêm mạc dạ dày. Gây rối loạn chức năng bài tiết, giảm tiết chất nhầy trong dạ dày khiến niêm mạc dạ dày bị tổn hại. Hơn nữa, khi bạn khó chịu, căng thẳng hay giận dữ, những cảm xúc xấu sẽ ảnh hưởng đến sự tiết dịch dạ dày, tiêu hóa và các chức năng khác khiến cho việc tiêu hóa thức ăn bị ảnh hưởng, sức khỏe của dạ dày cũng bị đe dọa. Đó chính là lý do tại sao những người thường xuyên bị căng thẳng có nguy cơ bị bệnh viêm loét dạ dày cao hơn những người khác.
4. Vận động mạnh sau khi ăn
– Sau khi ăn, trong khoảng thời gian từ 1-3 tiếng, máu phải đổ dồn về cơ quan tiêu hóa để xử lý thức ăn. Lúc này, bạn nên vận động nhẹ nhàng để lượng máu phân bổ đều cho các cơ quan trong cơ thể.
– Nếu vận động mạnh ngay sau khi ăn, cơ thể sẽ phải dồn lượng máu nhiều hơn tới các cơ bắp khiến cho máu cung cấp cho các cơ quan tiêu hóa không đủ. Điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động của dạ dày, dạ dày sẽ phải co bóp mạnh hơn, do đó dễ gây bệnh đau dạ dày hoặc các bệnh tiêu hóa khác.
5. Ăn uống không khoa học
– Nếu bạn ăn quá nhanh và không nhai kỹ sẽ khiến dạ dày phải co bóp mạnh hơn để tiêu hóa. Từ đó, niêm mạc dạ dày dễ bị tổn thương và giảm nhu động dạ dày.
– Ăn không đúng bữa cũng gây hại cho dạ dày vì bình thường đến một giờ cố định dạ dày sẽ tiết axit để tiêu hóa thức ăn. Nếu đến thời gian đó mà bạn không bổ sung thức ăn thì lượng axit sản sinh ra sẽ bị dư thừa, từ đó có thể gây ra căn bệnh viêm loét dạ dày.
– Vừa ăn vừa làm việc cũng là nguyên nhân gây ra bệnh đau dạ dày. Khi làm việc, nhất là làm việc trí não, một lượng lớn máu sẽ được “huy động” tới trung khu thần kinh để phục vụ cho các hoạt động trí não. Lượng máu cung cấp cho dạ dày để thực hiện chức năng tiêu hoá bị giảm đi, do vậy, dễ gây tổn thương cho dạ dày.
Theo sức khỏe & đời sống