Skip to main content

Để người Việt yên tâm dùng thuốc Việt

  • Ngày đăng:

    26/03/2019
  • Lần cập nhật cuối:

    17/07/2023
  • Số lần xem

    283

Thuốc là mặt hàng đặc biệt nên không phải rẻ là lấy được lòng tin của người dân. Vì vậy, cần phải giải quyết mối quan hệ giữa thuốc nội với bác sĩ, vì việc dùng thuốc của người bệnh phụ thuộc rất nhiều vào người kê đơn. Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia y tế trong việc khẳng định chất lượng của sản phẩm thuốc do trong nước sản xuất, tạo sự tin tưởng đối với người dân khi lựa chọn và sử dụng thuốc nội.

 

 
Một hiệu bán thuốc tại Hà Nội.

Phụ thuộc vào bác sĩ

Mỗi năm, thông qua các khoản chi từ bảo hiểm y tế (BHYT), người Việt phải chi đến 20.000 tỷ đồng cho việc mua thuốc chữa bệnh. Phần lớn những khoản tiền này đều rơi vào tay các hãng dược phẩm nước ngoài. Theo Bộ Y tế, rất nhiều người Việt Nam khi bị bệnh vẫn có tâm lý tìm đến thuốc ngoại. Bởi vậy, trong mối quan hệ giữa phòng khám, bác sĩ với các hãng sản phẩm nước ngoài và việc nâng cao chất lượng của thuốc nội để người dân hoàn toàn yên tâm khi sử dụng thuốc Việt, luôn là vấn đề được Bộ Y tế cũng như những nhà sản xuất dược quan tâm. 

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, hiện nay, ngành dược nội địa đã có những bước phát triển mạnh và hướng tới nâng cao hơn nữa doanh số cũng như chất lượng thuốc sản xuất trong nước. Nhằm hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của ngành dược Việt Nam, đồng thời hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Cục Quản lý Dược đã triển khai chương trình truyền thông “Con đường thuốc Việt” với mong muốn bình chọn những sản phẩm thuốc Việt Nam tốt về chất lượng, bảo đảm hiệu quả điều trị, an toàn trong sử dụng. Tính đến nay, Việt Nam có 135 nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GMP-WHO), trong đó có 25 nhà máy sản xuất thuốc từ dược liệu, 4 nhà máy sản xuất vắc-xin. Đã có một số nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP của hệ thống thanh tra dược phẩm quốc tế (PIC/s) hoặc GMP của châu Âu. Con số này là một trong những minh chứng cho chất lượng thuốc sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế từ nguyên liệu đầu vào, dây chuyền sản xuất, hệ thống kiểm nghiệm, kho bãi cho đến bảo quản, phân phối thuốc. 

Ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dược mỹ phẩm CVI đã đánh giá: Hiện nay, người Việt ngày càng quan tâm đến việc sử dụng các thuốc hoặc các sản phẩm chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc trong nước, đặc biệt là các thuốc có nguồn gốc từ dược liệu, tỷ trọng sử dụng thuốc nội trong bệnh viện không ngừng gia tăng cả về giá trị và sản lượng. Đã có rất nhiều doanh nghiệp dược trong nước hiện nay không chỉ đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn đầu tư vào nâng cao hình ảnh, mẫu mã sản phẩm; có chiến lược marketing, quảng bá sản phẩm một cách chuyên nghiệp, bài bản không kém gì các doanh nghiệp dược nước ngoài. Điều đó khiến cách nhìn về thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe sản xuất trong nước của người dân dần dần thay đổi theo hướng tích cực hơn. Tuy nhiên, theo ông Hiệu, vẫn còn một số khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất dược trong nước như năng lực nghiên cứu và sản xuất còn nhiều hạn chế; nguồn lực đầu tư có hạn nên đa phần các doanh nghiệp vẫn sản xuất các thuốc thông thường, giá trị thấp. Có rất ít các sản phẩm thuốc mới, thuốc đặc trị giá trị cao hoặc các thuốc được đầu tư nghiên cứu bài bản; ít có sự khác biệt về danh mục sản phẩm giữa các doanh nghiệp nên mức độ cạnh tranh rất khốc liệt và ở trình độ thấp. Việc cạnh tranh chủ yếu bằng giá và hệ thống phân phối, khả năng tái đầu tư cho nghiên cứu phát triển và mở rộng sản xuất yếu kém. Chưa có nhiều doanh nghiệp xây dựng được chuỗi giá trị sản phẩm hoàn chỉnh từ khâu chủ động nguồn nguyên liệu, nghiên cứu phát triển đến sản xuất kinh doanh, phân phối… mà thường chỉ làm được ở một vài khâu. Đa số nguồn nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu nên bị phụ thuộc vào biến động giá cả và nguồn cung từ nước ngoài. 

“Nam dược trị nam nhân” 

Ngành dược Việt Nam đã đặt ra chiến lược cho giai đoạn 2020, tầm nhìn 2030. Trong đó, mục tiêu là thuốc nội sản xuất trong nước sẽ chiếm 70% giá trị thuốc tiêu thụ. Để đạt được điều này, cần xây dựng nền công nghiệp dược, trong đó tập trung đầu tư phát triển sản xuất thuốc generic (thuốc gốc) có chất lượng cao và giá cả hợp lý, từng bước thay thế thuốc nhập khẩu; phát triển công nghiệp hóa dược, phát huy thế mạnh, tiềm năng của Việt Nam để phát triển sản xuất vắc-xin và thuốc từ dược liệu. 

Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) nhận định: “Tự nhiên đã rất ưu đãi cho đất nước và con người Việt Nam một hệ sinh thái phong phú và đa dạng, có tiềm năng vô cùng to lớn về tài nguyên, cây thuốc trở thành nguồn nguyên dược liệu quý cho ngành dược phát triển. Việt Nam hiện có khoảng gần 4000 loài thực vật có công dụng làm thuốc. Trong đó có hơn 200 loài đã được giới thiệu và khai thác, cung cấp cho nhu cầu sản xuất thuốc trong nước và xuất khẩu. Không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng đang có xu hướng trở về với thiên nhiên, sử dụng thuốc từ dược liệu ngày càng được ưu tiên. Vì sử dụng thuốc từ dược liệu ít độc hại hơn và phù hợp với sinh lý của cơ thể hơn”. 

Để thuốc Việt ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người bệnh trong việc được sử dụng thuốc có chất lượng, giá thành hợp lý, thời gian qua, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, đã triển khai, xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn về đấu thầu thuốc. Các quy định mới này giúp bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch; giúp tiết giảm chi phí tiền thuốc tại các cơ sở y tế và tăng cường sử dụng thuốc trong nước. Theo kết quả trúng thầu của 26 Sở Y tế, bệnh viện, trị giá tiền mua thuốc đã tiết giảm 35,5% so với quy định cũ. Trị giá và số lượng thuốc sản xuất trong nước trúng thầu đã tăng hai lần, tỷ trọng thuốc trúng thầu tăng 1,01% tại bệnh viện tuyến Trung ương, 2,41% tại bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện, bảo đảm được mục tiêu của Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, việc thực hiện đấu thầu theo quy định mới đã tiết kiệm 1.412 tỷ đồng; thuốc trong nước trúng thầu chiếm 57,35% giá trị. Những con số trên đã góp phần khẳng định chất lượng của sản phẩm thuốc trong nước, tạo sự tin tưởng đối với người Việt Nam khi lựa chọn và sử dụng thuốc Việt Nam. Trong tương lai gần, những thành tựu này hứa hẹn sẽ còn tiến xa hơn nữa, làm nên một diện mạo hoàn toàn mới cho ngành dược Việt Nam.

Phát biểu tại Lễ tổng kết Chương trình “Con đường thuốc Việt” ngày 21-4 vừa qua, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá, thời gian qua, lượng thuốc sản xuất trong nước được tiêu thụ ngày càng tăng. Thuốc sản xuất trong nước với chất lượng tốt và giá cả phải chăng làm giảm chi phí mua thuốc của người dân. Đặc biệt, thuốc sản xuất trong nước với giá thành rẻ và tốt hơn đã thắng thầu nhiều hơn. Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, ngành y tế không giống các ngành khác vì khách hàng là người dân, họ không đủ trình độ để đánh giá chất lượng thuốc. Người bệnh không thể thử nhiều loại thuốc để tìm cho mình loại thuốc tốt và rẻ. “Ngành y tế muốn tiêu thụ được thuốc Việt Nam thì phải trải qua một khâu rất quan trọng đó là sự hướng dẫn, giới thiệu của các bác sĩ. Các bác sĩ có giới thiệu dùng thuốc Việt Nam thì bệnh nhân mới tin dùng. Chính vì vậy, để chiến lược người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt thì các thầy thuốc có vai trò quan trọng. Đồng thời, các doanh nghiệp có trách nhiệm phải cung cấp cho xã hội những sản phẩm tốt nhất và chứng minh được tác dụng tốt để người dân yên tâm sử dụng” , Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh như vậy.

Theo:http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/kinh-te-xa-hoi/de-nguoi-viet-yen-tam-dung-thuoc-viet/356673.html

 

Tổng đài miễn cước
Danh sách nhà thuốc gần bạn nhất
Mua hàng online
nhận hàng tại nhà
Mua hàng online
nhận hàng tại nhà
Danh sách nhà thuốc gần bạn nhất
Nhận thông báo
Thông báo
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments

BẠN NÊN ĐỌC NGAY

THÔNG TIN VỀ SẢN PHẨM

SẢN PHẨM LIÊN QUAN

1
TƯ VẤN LIỆU TRÌNH

Thông báo

x