Đau đớn cú sốc ung thư
-
Ngày đăng:
26/03/2019 -
Lần cập nhật cuối:
17/07/2023 -
Số lần xem
305
Ông N. vốn là một nông dân chất phác. Ngoài công việc đồng áng, ông lấy chén rượu làm vui mỗi ngày. Không hiểu ông ăn uống thế nào mà vùng dạ dày hay đau tức từ khi còn trẻ. Lúc nào đau quá, ông ra hiệu thuốc ở ngoài đường lớn mua ít giảm đau về dùng, thấy đỡ lại thôi. Cũng có lúc, con ông đưa ra tận bệnh viện lớn ở Hà Nội khám.
Có lần được nội soi, bác sỹ kết luận ông bị trợt loét dạ dày, về nhà, chưa uống hết liệu trình thuốc được kê, ông thấy đỡ nên không dùng nữa. Đến một ngày, ông thấy khó tiêu, đau âm ỉ vùng dạ dày, chướng bụng, chán ăn, mệt mỏi, đặc biệt người gầy rộc, các con ông đưa đi khám, nội soi và ông được các con thông báo: “Bố phải nằm viện theo dõi”.
Ông N. thấy chột dạ, đòi nằng nặc xem giấy tờ khám bệnh. Con gái ông cũng chỉ chìa ra vài tờ giấy, ông cũng chẳng đọc nổi họ viết gì. Đến ngày bác sỹ thông báo ông phải mổ, ông nổi khùng lên nói: “Nếu tao bị ung thư, bố sẽ tự tử cho xong”, con ông kể lại.
Các con ông vô cùng sợ hãi, nhờ bác sỹ giấu bệnh tình của ông.
Trong buồng bệnh khác ở bệnh viện đa khoa tại Hà Nội, chị N.M.H cũng đang lúi húi chăm chồng. Khi được hỏi về bệnh tình của chồng, chị chỉ im lặng. Khi ra ngoài hành lang, chị mới kể, chồng chị vừa phải cắt dạ dày vì bị ung thư. Gia đình chị vẫn giấu vì như chị nói: “Tâm lý anh ấy lo lắng lắm, chỉ sợ anh ấy biết bệnh thì không phải chết vì ung thư mà chết vì sợ hãi”. Theo các chuyên gia, ung thư dạ dày là bệnh thường gặp ở Việt Nam. Tại Hà Nội, ung thư dạ dày đứng thứ hai trong các bệnh ung thư.
Nhận được tin dữ, làm sao để tinh thần ổn định?
Theo một chuyên gia trong lĩnh ung thư, người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cũng như người thân của bệnh nhân thường nói rằng họ đã choáng váng khi biết về bệnh tình. Một câu hỏi đặt ra là có nên giấu bệnh với người nhà? Chuyên gia này cho rằng, cần nói rõ về bệnh tình cho người thân, đồng thời nói rõ nếu tích cực điều trị, bệnh nhân vẫn có thể sống tiếp.
Một nghiên cứu của Đại học Golden Pavilion của London, Anh có một cuộc nghiên cứu mà đối tượng là những người ung thư vú. Kết quả cho thấy, những bệnh nhân có một tinh thần chiến đấu mạnh mẽ có đến 80% có thể sống trên 10 năm. Những người bình tĩnh đối mặt và điều trị thì 33% có thể sống trên 10 năm. Những bệnh nhân tuyệt vọng, suy nghĩ tiêu cực tỷ lệ sống 10 năm chỉ chiếm 20%. Như vậy, người nhà và bệnh nhân nên bình tĩnh để tìm hiểu kỹ về căn bệnh ung thư mà mình mắc phải để có hướng chăm sóc bản thân, người nhà được tốt.
Tìm hiểu về chẩn đoán
Ung thư là một nhóm với hơn 100 bệnh. Vì vậy, điều quan trọng là phải tìm hiểu kỹ về căn bệnh ung thư mà mình mắc phải với những hội chứng liên quan, bao gồm cả quá trình chẩn đoán và điều trị. Điều này cho phép bản thân bệnh nhân hay người nhà có vai trò tích cực trong việc chăm sóc bệnh ung thư bằng cách đặt câu hỏi thích hợp, tiếp cận các nguồn thông tin và ra quyết định đối với việc chữa trị.
Khi đi khám, hãy hỏi và nhờ bác sỹ giải thích bất kỳ vấn đề nào liên quan đến bệnh ung thư mà bệnh nhân mắc phải. Nên có người nhà đi cùng nghe và ghi chép lại những gì bác sỹ nói hoặc sử dụng máy ghi âm để có thể nghe lại. Đặc biệt, nên hỏi bác sỹ về cơ hội hồi phục và nhấn mạnh điều này với bệnh nhân. Cơ hội sống sẽ là nguồn hy vọng lớn lao, giúp tâm lý bệnh nhân nhẹ nhàng, lạc quan. Ngoài ra, bệnh nhân hay người thân nên tìm kiếm thông tin về bệnh trên internet.
Tìm chăm sóc y tế
Vị chuyên gia này cho biết thêm: Sau khi nhận được chẩn đoán ung thư, điều quan trọng là tìm một bác sỹ chuyên điều trị bệnh nhân ung thư. Thậm chí, nên tìm thêm một bác sỹ thứ 2 để có được lời khuyên. Đặc biệt, người thân nên tìm hiểu về các phương pháp điều trị mới đối với căn bệnh.
Tìm cách sống lạc quan
Người thân, bạn bè là những người quan trọng trong việc hỗ trợ tinh thần cũng như tài chính đối với bệnh nhân ung thư. Người thân nên giúp bệnh nhân ung thư tham gia một câu lạc bộ những người cùng mắc bệnh ung thư để nhận được sự đồng cảm và chia sẻ đồng thời, học hỏi được kinh nghiệm chữa bệnh từ những người cùng mắc bệnh. Nếu người mắc ung thư vẫn có thể tham gia các hoạt động như làm việc cơ quan, chăm sóc gia đình, người thân nên để bệnh nhân tự làm. Hãy khuyến khích bệnh nhân ung thư làm những việc mình yêu thích như tập thể dục, nghe nhạc, đọc sách, báo, thiền, đi shopping…