Skip to main content

Viêm dạ dày ở trẻ em – Dấu hiệu & cách xử lý nhanh

  • Ngày đăng:

    13/09/2019
  • Lần cập nhật cuối:

    17/07/2023
  • Số lần xem

    202

Viêm dạ dày ở trẻ em nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa thậm chí là ung thư dạ dày. Vậy triệu chứng của bệnh như thế nào? Cách xử lý ra sao? Tất cả sẽ được giải đáp ngay sau đây.

Xem thêm: 

1. Dấu hiệu nhận biết viêm dạ dày ở trẻ em

Tương tự người lớn, viêm dạ dày ở trẻ cũng có nhiều dấu hiệu nhận biết rất đặc trưng. Bạn hãy nhớ kỹ 8 dấu hiệu sau đây:

1.1. Biếng ăn, chán ăn

Viêm dạ dày ở trẻ em
Trẻ biếng ăn khi bị viêm dạ dày

Những tổn thương ở dạ dày cùng những triệu chứng khó chịu khác sẽ khiến trẻ chán ăn, biếng ăn. Nếu bạn cố ép trẻ ăn sẽ càng làm tăng sự khó chịu của dạ dày, làm tăng thêm tâm lý sợ ăn của trẻ.

1.2. Ợ hơi, ợ chua

Một số trẻ, ngoài viêm dạ dày còn có kèm theo hiện tượng trào ngược acid dịch vị từ dạ dày lên thực quản gây hiện tượng ợ chua, ợ nóng. Ợ hơi là cách tự nhiên của cơ thể để đẩy bớt lượng khí dư thừa trong dạ dày ra ngoài, giúp dạ dày dễ chịu hơn.

1.3. Đầy hơi, khó tiêu

Đầy hơi, khó tiêu cũng là triệu chứng rất hay gặp nhưng trẻ sẽ gặp khó khăn khi miêu tả triệu chứng này. Bạn có thể nhận thấy dấu hiệu này khi kiểm tra bụng của bé, bụng hơi cứng, vỗ có tiếng kêu, kèm theo đó là chứng chán ăn, ợ hơi nhiều.

1.4. Đau bụng

Cũng giống như người lớn, viêm dạ dày ở trẻ em cũng gây ra những cơn đau bụng rất điển hình như:

  • Đau âm ỉ vùng thượng vị và lan ra khắp vùng bụng, có kèm theo cảm giác nóng rát bên trong
  • Các cơn đau tăng dần khi ăn uống thất thường, khi quá đói hoặc quá no.
  • Đau dữ dội sau khi ăn đặc biệt là khi sử dụng các đồ ăn gây kích thích dạ dày như đồ ăn cay nóng, đồ uống có gas.
  • Các cơn đau thường xuất hiện về đêm gần sáng khiến trẻ tỉnh giấc, mất ngủ, quấy khóc
  • Những cơn đau tái diễn, lặp lại có tính chu kỳ
  • Cơn đau thường kéo dài từ vài chục phút đến hàng giờ

Đây là những đặc điểm có thể giúp các bậc phụ huynh phân biệt được sự khác nhau giữa những cơn đau do viêm dạ dày và đau do giun chui ống mật.

1.5. Nôn ói, có khi ói ra máu

Buồn nôn, nôn mửa là dấu hiệu có thể gặp khi trẻ bị viêm dạ dày. Cảm giác buồn nôn, nôn mửa có thể xuất hiện đồng thời cùng lúc với những cơn đau.

Đặc biệt lưu ý, nếu trẻ nôn ra máu, có thể là máu tươi hoặc dịch nôn có màu như bã cà phê thì đó là một dấu hiệu nguy hiểm, đây là biểu hiện của biến chứng xuất huyết tiêu hóa, bạn cần ngay lập tức cho trẻ nhập viện điều trị

Xem thêm: Cảnh báo những bệnh lý nguy hiểm khi đau dạ dày nôn ra máu

1.6. Viêm dạ dày ở trẻ em gây ra tình trạng thiếu máu

Với những trẻ bị viêm dạ dày lâu ngày kém hấp thu, thiếu dinh dưỡng và đặc biệt những trẻ bị biến chứng xuất huyết đường tiêu hóa sẽ có hiện tượng thiếu máu, người suy nhược, mệt mỏi, chân tay lạnh, nhợt nhạt…

1.7. Bé đi phân đen hoặc máu

Trẻ bị đi ngoài ra phân đen
Trẻ bị đi ngoài ra phân đen hoặc máu

Đi ngoài phân đen hoặc có máu tươi cũng là một dấu hiệu cho thấy đường tiêu hóa của trẻ có xuất huyết và trẻ có thể gặp nguy hiểm. Theo thống kê, đi ngoài phân đen hoặc có máu là lý do nhập viện của hơn 50% ca xuất huyết dạ dày trẻ em.

1.8. Bé xanh xao

Trẻ bị viêm dạ dày nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ ngày càng mệt mỏi, xanh xao, kém tập trung, chân tay nhợt nhạt, hoạt động nhanh thấy mệt, sụt cân… do mất ngủ, kém ăn, kém hấp thu, mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu chất dinh dưỡng đặc biệt là thiếu máu

2. Nguyên nhân gây viêm dạ dày ở trẻ

Về cơ bản, nguyên nhân gây viêm dạ dày ở trẻ em cũng tương tự như ở người lớn. Bé nhà bạn có thể bị viêm dạ dày do những nguyên nhân dưới đây

2.1 Do nhiễm vi khuẩn Hp

Vi khuẩn H.pylori là nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ bị viêm dạ dày. Vi khuẩn Hp rất dễ lay lan đặc biệt là trẻ em, cơ thể chưa phát triển toàn diện, hệ miễn dịch yếu chưa đủ sức chống lại sự xâm nhập của H.pylori. Vi khuẩn Hp xâm nhập vào cơ thể trẻ thông qua những hoạt động thường ngày như:

  • Hôn trẻ
  • Mớm thức ăn cho trẻ
  • Dùng chung bát đũa với người bị nhiễm Hp

2.2 Sử dụng thuốc không đúng chỉ định

Tuy không phổ biến như ở người lớn, nhưng việc lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc bừa bãi không theo đúng chỉ định của bác sĩ đặc biệt là các loại thuốc giảm đau hạ sốt, chống viêm NSAIDs hoặc corticoid cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng viêm dạ dày ở trẻ em.

2.3. Căng thẳng, stress kéo dài

Trẻ bị căng thẳng
Trẻ bị căng thẳng kéo dài

Những căng thẳng, stress sẽ ức chế đến hệ thần kinh trung ương từ đó gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa. Tình trạng ức chế này kéo dài sẽ khiến cho acid dịch vị tăng tiết quá mức, phá hủy lớp chất nhầy bảo vệ niêm mạc và gây tổn thương niêm mạc dạ dày.

Đừng nghĩ rằng chỉ có người lớn mới bị căng thẳng, stress. Trẻ em cũng có thể mắc phải căn bệnh này, nguyên nhân có thể do:

  • Những bất hòa trong gia đình
  • Tình trạng ép trẻ ăn
  • Áp lực học tập, áp lực điểm số, thành tích, áp lực thi cử ở trường hoc

2.4. Chế độ ăn uống không khoa học

Viêm dạ dày ở trẻ em cũng có thể do thói quen chăm sóc và cho trẻ ăn uống thiếu khoa học của bố mẹ, ông bà đã vô tình gây tổn thương đến dạ dày của bé như:

  • Thói quen vừa ăn vừa xem tivi, ăn rong, vừa ăn vừa chơi, nằm để ăn…
  • Phụ huynh nhồi ăn, ép ăn gây những ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa cũng như ảnh hưởng tâm lý của trẻ khi ăn uống.
  • Cho trẻ ăn vặt trước giờ ăn cơm, ăn vặt quá nhiều là nguyên nhân khiến trẻ bỏ bữa
  • Mớm thức ăn từ mồm người lớn qua cho trẻ, dùng chung đũa với người lớn…
  • Cho trẻ ăn cơm quá sớm khi dạ dày của bé chưa phát triển hết
  • Ăn muộn, ăn không đúng bữa với những trẻ lớn hơn do những ca học thêm kéo dài
  • Trẻ ăn nhanh, nhai không kỹ hoặc nuốt chửng thức ăn
  • Ăn nhiều đồ ngọt, đồ chiên rán, thức ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp, đồ uống có gas, đồ ăn cay nóng.

3. Chế độ ăn uống dành cho bé bị viêm dạ dày ở trẻ em

Chế độ ăn uống hàng ngày có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa, vì vậy một chế độ ăn uống cân bằng và khoa học là rất cần thiết giúp hỗ trợ điều trị, kiểm soát và phòng ngừa viêm dạ dày ở trẻ tốt hơn.

3.1. Chế độ ăn uống cho trẻ đúng cách

Đảm bảo khẩu phần ăn cho bé
Đảm bảo khẩu phần ăn cho bé

Chế độ ăn dành cho trẻ em bị viêm dạ dày tuân cần tuân thủ theo những tiêu chí sau:

  • Đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ, khẩu phần ăn hàng ngày cân đối đủ 4 nhóm dinh dưỡng tinh bột – đạm – chất béo – vitamin và khoáng chất theo độ tuổi.
  • Không để trẻ ăn quá no, chia nhỏ bữa ăn để giảm áp lực tiêu hóa của dạ dày. Với trẻ còn đang bú mẹ, nên cho trẻ bú làm nhiều cữ
  • Nên để trẻ ăn những đồ ăn dễ tiêu hóa, thức ăn lỏng, được nấu mềm như cháo, súp các món hầm
  • Hạn chế đồ ăn có quá nhiều chất béo, đồ chiên rán, đồ nướng. Tăng cường sử dụng những món luộc, hầm nhừ, món ăn mềm, nhiều nước.
  • Không sử dụng những đồ ăn làm tăng tiết acid, đồ ăn cay nóng, đồ ăn nhanh, đồ hộp, đồ ăn chế biến sẵn, các loại thức ăn cứng dai, thức ăn khó tiêu hóa, đồ uống có gas
  • Tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất từ rau xanh và hoa quả tươi
  • Tập cho trẻ thói quen tập trung ăn uống, không vừa ăn vừa làm việc riêng
  • Không vừa ăn vừa uống, ăn cơm chan canh vì trẻ có thể sẽ nuốt chửng không chịu nhai
  • Nên sử dụng protein từ thịt trắng, trứng, sữa.

3.2. Thực phẩm mẹ nên bổ sung khi trẻ bị viêm dạ dày

Theo khuyến cáo của Viện dinh dưỡng Quốc gia, việc đảm bảo dinh dưỡng theo từng độ tuổi, cân nặng là điều vô cùng cần thiết để duy trì, phục hồi và nâng cao sức khỏe cho trẻ. Theo đó, viêm dạ dày ở trẻ em phụ huynh cần bổ sung những loại thực phẩm sau:

Sử dụng nguồn protein

Protein là một chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Với những trẻ bị viêm dạ dày, protein giúp cung cấp năng lượng và đẩy nhanh quá trình chữa bệnh, làm lành vết thương. Với những trẻ trong giai đoạn cấp tính và phục hồi, nhu cầu protein theo khuyến nghị có thể lên đến 1,2 – 1,5g protein/ kg thể trọng/ ngày.

Tuy nhiên, không phải protein nào cũng giống nhau. Bạn nên cho bé sử dụng những loại thực phẩm chứa nhiều protein nạc tức là những loại protein chứa ít chất béo động vật (trừ omega 3) để tránh làm nặng hơn tình trạng viêm dạ dày. Những loại thực phẩm ưu tiên sử dụng:

  • Thịt ức gà
  • Thịt nạc thăn
  • Trứng
  • Đậu phụ
  • Cá ngừ, cá hồi, cá thu

Vitamin và khoáng chất từ rau củ

Bổ sung rau xanh cho bé
Bổ sung rau xanh cho bé

Vitamin và khoáng chất cũng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị và phục hồi của bệnh viêm dạ dày ở trẻ em, giúp duy trì và tăng cường hệ thống miễn dịch, chống oxy hóa, chống viêm, chống nhiễm trùng…. Một số loại vitamin và khoáng chất cần được bổ sung như:

  • Selen cải thiện khả năng làm lành vết thương, giúp kháng khuẩn, giảm nhiễm trùng
  • Vitamin B12 tham gia vào quá trình tạo máu, tăng cường hệ miễn dịch.
  • Vitamin B9 giúp bổ sung acid folic phòng chống thiếu máu.
  • Sắt giúp bổ sung lượng sắt thiếu hụt, phòng chống thiếu máu.
  • Vitamin C giúp tăng cường hấp thu sắt, tăng sức đề kháng, chống nhiễm trùng, ức chế sự phát triển của vi khuẩn Hp. Bạn có thể tìm thấy vitamin C trong ổi, dứa, cam, xoài, rau cải xanh, súp lơ…
  • Vitamin A hỗ trợ rất tốt cho quá trình làm lành các vết viêm, tăng sức đề kháng. Bạn có thể thêm đu đủ, cà rốt, gấc, dứa xoài cà chua… vào khẩu phần ăn hàng ngày.
  • Kẽm giúp chống viêm, làm lành vết thương, tăng cường hệ miễn dịch…Bạn nên sử dụng kiwi, chuối, bơ, dâu tây, nho khô, lựu, mơ, quả mâm xôi.

Sử dụng nguồn chất xơ

Chất xơ đóng vai trò là chất đệm, giúp thức ăn tiêu hóa tốt hơn, hạn chế rối loạn tiêu hóa từ đó giúp giảm đau và giảm các triệu chứng khó chịu. Tuy nhiên, cần sử dụng chất xơ với lượng vừa đủ, tránh sử dụng quá nhiều có thể phản tác dụng và khiến dạ dày phải làm việc nhiều hơn. Theo đó, bổ sung chất xơ với nhu cầu khuyến nghị là 20 – 30g/ ngày.

Viêm dạ dày ở trẻ em mẹ cần bổ sung đồng thời 2 loại thực phẩm sau:

Chất xơ hòa tan: Đậu, yến mạch, hoa quả, rau mồng tơi, đậu rồng, súp lơ..

Chất xơ không hòa tan: Ngũ cốc nguyên hạt, hạt lanh, cà rốt, đậu, lúa mạch.

Sử dụng nguồn chất béo lành mạnh

Acid  béo Omega 3 có trong cá hồi, cá ngừ, cá mòi, quả óc chó, hạt chia…cùng các loại chất béo lành mạnh từ oliu, các loại hạt đậu, hạt lanh, lạc, vừng…có tác dụng giảm viêm và phòng ngừa những rối loạn khác trong dạ dày và hệ tiêu hóa

Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung thêm cho bé những loại thực phẩm, đồ uống sau:

Sữa chua rất tốt cho hệ tiêu hóa của bé
Sữa chua rất tốt cho hệ tiêu hóa của bé
  • Thực phẩm có bổ sung probiotic: Sữa chua, kefir, kombucha… giúp bổ sung lợi khuẩn đường ruột để cân bằng hệ vi sinh đường ruột, chống lại vi khuẩn Hp, tăng cường hệ miễn dịch, tăng khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng, giảm tác dụng phụ của thuốc kháng sinh.
  • Thực phẩm giàu flavonoid và chất kháng khuẩn: Nghệ vàng, mật ong, tỏi, quế, hành tây, quả việt quất, cần tây…là những thực phẩm có khả năng kháng khuẩn, ức chế sự hoạt động của vi khuẩn và tăng sức đề kháng

Xem thêm:

4. Cách xử lý nhanh đau dạ dày ở trẻ em tại nhà

Theo các bác sĩ, viêm dạ dày ở trẻ em trong một số trường hợp nhẹ, những cơn đau âm ỉ ở mức độ vừa phải không nhất thiết phải sử dụng thuốc. Bạn có thể thực hiện một số biện pháp dưới đây để giúp bé thoải mái và dễ chịu hơn.

4.1. Chườm ấm

Áp dụng cho cả trẻ em và người lớn để giảm bớt những cơn đau quanh vùng bụng. Hơi nóng từ túi chườm hoặc một chai nước nóng sẽ giúp mạch máu vùng bụng giãn ra, máu lưu thông dễ dàng hơn từ đó giúp giảm co thắt, giảm đau đồng thời hỗ trợ dạ dày tiêu hóa tốt hơn.

Cách thực hiện:

  • Cho trẻ nằm trên giường, kê cao đầu.
  • Làm nóng túi chườm hoặc đổ nước nóng vào chai. Chú ý đậy chặt nắp chai và điều chỉnh độ nóng phù hợp tránh làm bỏng trẻ
  • Chườm bụng cho trẻ, để túi sưởi hoặc chai nước phía trên một lớp áo để tránh gây bỏng da.
  • Có thể kết hợp chườm nóng và massage nhẹ nhàng bụng cho trẻ.

4.2. Xoa bóp bụng nhẹ nhàng

Xoa bóp vùng bụng
Xoa bóp vùng bụng

Các động tác massage vùng bụng giúp hỗ trợ tiêu hóa đồng thời làm giảm nhanh các triệu chứng khó chịu. Để đạt hiệu quả tốt hơn, bạn có thể xoa bụng bé kèm theo một chút dầu gừng, dầu tràm, dầu tỏi…

Cách thực hiện:

  • Để bé nằm xuống giường, nằm ngửa
  • Coi vùng thượng vị có chứa dạ dày là điểm 12h, hai bên sườn là 3h và 9h, dưới bẹn là 6h
  • Cho một chút dầu lên bụng bé, xoa đều
  • Nhẹ nhàng xoa bụng bé theo chiều kim đồng hồ, cảm giác đau khó chịu sẽ nhanh chóng được đẩy lùi.

4.3. Gừng và mật ong

Gừng và mật ong là hai nguyên liệu rất tốt cho dạ dày giúp giảm những vết sưng viêm, giảm đau, trung hòa acid, làm lành những tổn thương, tăng cường đề kháng… Bạn có thể chế biến gừng và  mật ong theo cách dưới đây.

Chuẩn bị nguyên liệu:

  • Mật ong nguyên chất 1 thìa cà phê
  • Gừng tươi 1 nhánh nhỏ

Cách thực hiện: 

  • Gừng tươi rửa sạch, cạo sạch vỏ, giã nát vắt lấy nước cốt
  • Pha tỷ lệ 1 thìa nước cốt gừng: 1 thìa mật ong
  • Pha hỗn hợp mật ong – gừng vào trong cốc nước ấm và cho trẻ uống mỗi ngày

*Lưu ý: Không sử dụng cách này với những trẻ dưới 1 tuổi.

4.4. Uống nhiều nước

Bé cần bổ sung đầy đủ nước
Bé cần bổ sung đầy đủ nước

Uống nhiều nước ấm giúp trung hòa acid dịch vị, giảm đau, giảm cảm giác nóng rát dạ dày. Khi trẻ bị viêm dạ dày có triệu chứng nôn mửa, rối loạn tiêu hóa và sốt,việc bổ sung nước cho cơ thể là điều vô cùng cần thiết. Theo đó, mẹ nên cho trẻ uống nước lọc đun sôi để ấm, nước ép trái cây, sữa mẹ hoặc các loại nước bổ sung điện giải.

Ngoài ra, bố mẹ có thể:

  • Trò chuyện với trẻ để phân tán sự chú ý
  • Cho trẻ bú hoặc ăn một chút thức ăn mềm dễ tiêu hóa như cháo, bánh mỳ, súp.
  • Theo dõi tình trạng sức khỏe của bé thường xuyên, nếu những cơn đau không giảm và có xu hướng tăng lên, kèm theo nhiều dấu hiệu khó chịu khác, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện.

5. Phòng bệnh viêm dạ dày ở trẻ em

Hãy phòng chống và kiểm soát bệnh viêm dạ dày cho bé nhà bạn bằng những biện pháp dưới đây:

  • Thức ăn cho trẻ cần được nấu chín kỹ, không nên cho trẻ sử dụng những thực phẩm sống, chín tái.
  • Tập cho trẻ thói quen giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, sau khi ở ngoài đường, chơi thể thao hay lao động
  • Không để trẻ chơi đùa ở những nơi ô nhiễm, nhiều rác bẩn, nguồn nước bẩn vì đó là những nơi có nguy cơ lây nhiễm Hp cao
  • Lựa chọn những loại thực phẩm sạch, an toàn, sơ chế sạch sẽ trước khi chế biến
  • Tập cho trẻ thói quen ăn uống khoa học: Ăn đúng bữa, không bỏ bữa, không làm việc riêng trong khi ăn, ăn đủ chất.
  • Xây dựng thực đơn cân đối đủ chất, tăng cường sử dụng các loại rau xanh, trái cây và những loại thực phẩm có lợi cho dạ dày
  • Không sử dụng hoặc hạn chế sử dụng những thực phẩm, thức ăn gây ảnh hưởng xấu đến dạ dày
  • Hạn chế các hành động mớm thức ăn, hôn trẻ, cho trẻ ăn chung đồ ăn, cũng bát đũa với người lớn.
  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những người nhiễm Hp, người có tiền sử đau dạ dày
  • Không cho trẻ ăn cơm quá sớm
  • Khuyến khích trẻ tăng cường vận động, tập luyện thể thao hàng ngày
  • Lên thời gian biểu học tập, nghỉ ngơi, vui chơi cho trẻ hợp lý
  • Tránh tạo áp lực học hành, thi cử cho trẻ. Khuyến khích trẻ phát triển sở thích và tài năng cá nhân
  • Xây dựng gia đình hạnh phúc, duy trì bầu không khí vui vẻ trong gia đình
  • Trẻ ngủ đủ 8 tiếng/ ngày và không thức quá khuya.

Trên đây là chia sẻ về bệnh viêm dạ dày ở trẻ em, hi vọng mẹ sẽ có biện pháp phòng chống hiệu quả và điều trị kịp thời khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh để hạn chế được các biến chứng xảy ra.

Tổng đài miễn cước
Danh sách nhà thuốc gần bạn nhất
Mua hàng online
nhận hàng tại nhà
Mua hàng online
nhận hàng tại nhà
Danh sách nhà thuốc gần bạn nhất
Nhận thông báo
Thông báo
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments

BẠN NÊN ĐỌC NGAY

THÔNG TIN VỀ SẢN PHẨM

SẢN PHẨM LIÊN QUAN

1
TƯ VẤN LIỆU TRÌNH

Thông báo

x