31 tuổi mắc ung thư dạ dày, chuyên gia chỉ ra thủ phạm từ món ăn triệu người mê
-
Tác giả:
-
Ngày đăng:
02/02/2023 -
Lần cập nhật cuối:
23/10/2023 -
Số lần xem
3446
Thịt nướng vốn là món ăn được yêu thích với mùi vị và hương thơm hấp dẫn mà khó có phương pháp chế biến nào thay thế được. Tuy nhiên, thường xuyên ăn thịt nướng thì bạn có khả năng tăng nguy cơ ung thư.
31 tuổi đã ung thư chính là trường hợp của Tiểu Đường, nhân viên văn phòng của một công ty công nghệ nổi tiếng ở Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc. Tiểu Đường cho biết mình bị chán ăn gần 1 năm nay, đặc biệt thời gian gần đây cô không ăn uống được, thường xuyên đầy hơi, đau bụng, sụt cân nghiêm trọng, trong gần 2 tháng cô sút 10 kg, kinh nguyệt thất thường. Sau khi nghe Tiểu Đường nói, bác sĩ nghi ngờ có khả năng cô gái bị ung thư dạ dày? Bác sĩ đã đưa Tiểu Đường đi làm một loạt các xét nghiệm và nội soi dạ dày. Vừa mới nhìn vào khoang dạ dày, bác sĩ thấy miệng thượng vị khá hẹp, từ thượng vị đến thân dạ dày có một số tổn thương giống như loét, đi kèm theo các nốt sần, chất giòn, dễ chảy máu. Dưới sự quan sát của ống nội soi, đáy dạ dày cũng có tổn thương tương tự, khoang dạ dày có nhu động kém.
Sau khi bác sĩ làm sinh thiết, kết quả đúng như dự đoán: cô gái trẻ đã mắc ung thư dạ dày.
Lục lại thói quen xấu của Tiểu Đường, bác sĩ thấy cô gái trẻ có lối sống mà nhiều bạn trẻ mắc phải đó là bỏ ăn sáng, thức khuya và thích đồ ăn nhanh, thực phẩm nướng. Tại Việt Nam, ghi nhận cho thấy ung thư dạ dày cũng đang ngày càng trẻ hóa. Ở Việt Nam, các bác sĩ Bệnh viện K Trung ương từng phẫu thuật cho bệnh nhân 16 tuổi đã bị ung thư dạ dày. Những bệnh nhân tuổi dưới 30 đã mắc bệnh này cũng không phải hiếm.
Nguyên nhân ung thư dạ dày thường liên quan đến các tổn thương tiền ung thư, các yếu tố môi trường, yếu tố nội sinh và yếu tố di truyền. Các tổn thương tiền ung thư: Viêm dạ dày mãn tính kéo dài nếu không được điều trị sẽ dẫn đến viêm teo mãn tính niêm mạc dạ dày. Tiếp theo các các biến đổi dị sản của tế bào, rồi các biến đổi loạn sản từ mức độ nhẹ, vừa đến nặng. Loạn sản kéo dài cuối cùng dẫn đến ung thư dạ dày. Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) được coi là một nguyên nhân gây ung thư dạ dày. HP làm viêm teo loét niêm mạc dạ dày mãn tính, gây nên các tổn thương tiền ung thư. Bên cạnh đó, thói quen sinh hoạt không hợp lý như ăn các loại thức ăn có chứa Nitrate như thịt cá ướp muối, rau dưa muối, thịt nướng, thịt hun khói… làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Đặc biệt với món nướng, theo PGS TS BS. Lâm Vĩnh Niên – Trưởng khoa Dinh dưỡng – Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết, các amin dị vòng và hydrocarbon thơm đa vòng là các hóa chất hình thành khi thịt (bò, heo, cá, gia cầm) được nấu ở nhiệt độ cao (chiên, nướng) trực tiếp trên ngọn lửa.
Các amin dị vòng được hình thành khi các axit amin, đường, creatine (là những chất có trong cơ) phản ứng với nhiệt độ cao. Các hydrocarbon thơm đa vòng được hình thành khi mỡ của thịt tiếp xúc trực tiếp với bề mặt nóng hoặc ngọn lửa, gây cháy và khói, từ đó dính lên bề mặt thịt. Trên thực nghiệm, các chất này có khả năng gây đột biến gen và từ đó làm tăng nguy cơ ung thư. ThS.BS Thân Văn Thịnh – Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, ăn thịt nướng, dưa muối, cà muối được chứng minh là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến ung thư, bởi lẽ rất nhiều chất trong quá trình nướng thức ăn được phân hủy. Một số chất trong dưa muối, đặc biệt là dưa cải muối (như kim chi) thì các chất bị chuyển hóa, trong đó có nitrosamin chuyển hóa và ảnh hưởng đến dạ dày, nguy cơ cao gây ung thư dạ dày.
Điều này cũng phù hợp với thống kê tại Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 nước có tỉ lệ ung thư dạ dày cao nhất thế giới, trong đó có sự liên quan mật thiết đến thói quen ăn uống ở 2 quốc gia này. Tuy nhiên, kết quả trên là cả quá trình kéo dài chứ không phải chỉ ăn một hai bữa thịt nướng, dưa cà muối là có thể gây ung thư được.
Ngoài ra, cũng theo BS. Thịnh, trong các đồ muối như thịt muối, cá muối chứa một số loại virus gây ung thư vòm rất cao. Do đó thường thấy, ở những nơi có tập tục ăn đồ muối, mắm cáy, mắm cua là nơi có tỉ lệ mắc ung thư vòm cao.